16 điều bạn nhất định phải biết về Superfund

0
4681

Mình viết bài này sau khi chứng kiến rất nhiều người gặp khó khăn trong thời điểm dịch bệnh này, trong đó nhiều người cần đến tiền tiết kiệm. Lúc này nhiều người mới phát hiện đã bị “tự dưng” mất tiền từ quỹ super fund của mình, những đồng tiền có được từ những tháng ngày lao động thấm đầy mồ hơi nước mắt nơi đây, đau xót nhất là với những bạn trẻ sinh viên phải tự lập, những anh chị cô bác làm những công việc hết sức vất vả,…

Trước khi đi vào các chi tiết cụ thể thì mình lại mở bài bằng kết luận thế này nhé: mình cho rằng SuperFund đối với những ai ở nước Úc thân yêu này là 1 vấn đề hết sức quan trọng. Cần phải hiểu và biết từ càng sớm càng tốt vì nó có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn sau này, nhất là quãng đời còn lại khi bạn “gác kiếm” nghỉ hưu. Nếu hiểu đúng, chọn đúng SuperFund và làm đúng thì bạn có thể có một tài sản lớn sau này và yên tâm an hưởng tuổi già, biến nó trở thành “the best time of our life in all aspects”.

Vậy nên những ai chưa hiểu nhiều về SuperFund thì nên tìm hiểu luôn, save lại các bài viết hay, save luôn bài viết này để khi cần giở cẩm nang ra xài nhé.

Nếu hiểu đúng, chọn đúng SuperFund và làm đúng thì bạn có thể có một tài sản lớn sau này và yên tâm an hưởng tuổi già.

1. Super và Superfund là gì?

Super là viết tắt của Superannuation, dịch nôm na là “khoản hưu trí”. Đây là một khoản tiền mà chủ doanh nghiệp bắt buộc phải trả (Superannuation Guarantee) và thay mặt bạn nộp vào 1 Superfund (gọi là “quỹ hưu trí”) để tích lũy dần thành 1 khoản tiền phục vụ cho bạn “lĩnh lương hưu” sau này khi về hưu. Nghe thì có vẻ tương tự như BHXH ở Việt Nam, nhưng khác nhiều đấy, bạn xem tiếp ở dưới nhé.

2. Superfund khác với BHXH ở Việt Nam mình như thế nào?

Hai khoản này khác nhau, vậy nên chúng ta cần tìm hiểu sớm.

-Ở Việt Nam:

Khoản lương hưu sau này của các bạn chỉ do đúng 1 cơ quan nhà nước duy nhất quản lý. Không những thế lại còn tập trung hết về trung ương giữ. Tiền này nhà nước quyết tâm giữ an toàn nhất có thể nên cứ giữ đó, không đầu tư sinh lời cho bạn. Thực chất nhà nước có mang đầu tư để mua Trái phiếu CP và cho các ngân hàng thương mại lớn vay với lãi suất thấp. Nhưng các khoản lãi đầu tư đó là để nuôi bộ máy quản lý quỹ BHXH cho các bạn mà thôi, trong khi ở Úc thì chính bạn là người trả tiền để nuôi bộ máy quản lý quỹ lương hưu của bạn (là phí quản lý).

-Ở Úc:

Khoản lương hưu tương lai của các bạn được quản lý bởi nhiều tổ chức quỹ hưu trí chuyên nghiệp (“các quỹ”) cạnh tranh nhau sòng phẳng và hầu như tất cả các khoản lương hưu của mọi người đều được các quỹ đó đầu tư để sinh lời cho đến khi bạn “về hưu” và “lĩnh lương”. Vì cạnh tranh nên nhiều quỹ cố gắng đua nhau đầu tư thật hiệu quả để thu hút thêm nhiều khách hàng. Và với quỹ tốt thì có thể lúc về hưu bạn sẽ khá rủng rỉnh, sở hữu 1 khoản tiền lớn và khoản đó vẫn tiếp tục lớn tiếp cho đến cuối đời (nếu bạn muốn, và bạn sẽ muốn đấy vì từ lúc này các khoản lãi đầu tư sẽ được miễn thuế, nếu bạn làm đúng cách). Tiền của bạn sinh sôi như thế đó là do bạn “tự động” được hưởng lợi từ tác động của lãi suất kép và trình độ đầu tư của quỹ. Khác hẳn kiểu đều đều lĩnh lương hưu ba cọc ba đồng như ở nhà mình phải không. Nghe cũng khoái khoái đấy chứ bạn nhỉ, tự động được hưởng mà chẳng phải làm gì cả.

Với cách thức đầu tư của các quỹ như thế nên mới có chuyện sách báo ở Việt Nam viết là gần như tất cả mọi người ở Úc (hay ở Mỹ) đều “chơi chứng khoán” là như vậy. Vì thực ra là do các quỹ chơi hộ bạn đó. Hồi xưa tớ đọc thấy vậy là cứ tò mò thắc mắc không biết đúng hay sai vì nghĩ vốn dĩ chứng khoán quá khó chơi.

3. Trường hợp nào chủ DN bắt buộc phải đóng super cho bạn?

Là khi bạn trên 18 tuổi, có mức lương trước thuế tối thiểu 450$/tháng; hoặc dưới 18 tuổi mà làm ít nhất 30 tiếng/tuần cho họ; hoặc bạn hợp đồng làm osin, au pair cho 1 gia đình nào đó (domestic worker).

Tiền công lao động đó chiếm phần lớn giá trị hợp đồng – khi đó bạn sẽ được coi như 1 employee của họ.

Khi đó họ bắt buộc phải đóng cho bạn, dù cho họ chỉ hợp đồng miệng với bạn, và không phân biệt bạn có PR hay chỉ là temporary visa, làm full-time, part-time, hay casual, thậm chí là làm nhà thầu cho họ (trong trường hợp bạn có business riêng, có ABN, và kí hợp đồng với chủ DN với tư cách chính bạn là người thực hiện công việc/dịch vụ cho họ bằng chính sức lao động của bạn chứ không phải ai khác. Tiền công lao động đó chiếm phần lớn giá trị hợp đồng – khi đó bạn sẽ được coi như 1 employee của họ – ví dụ với nhiều người làm sole trader trong xây dựng, điện, nước, vệ sinh v.v.)

4. Tỷ lệ đóng tối thiểu bao nhiêu % trên lương?

Mức đóng tối thiểu bắt buộc là 9,5% trên mức lương gross (trước thuế, không bao gồm super và các khoản được thanh toán do làm thêm giờ. Từ 2021 tới năm 2025, mức đóng bắt buộc này sẽ tăng dần mỗi năm thêm 0,5% (từ ngày 1/7 các năm) cho đến mức 12%.

5. Các thành phần (sản phẩm) kèm theo thường có trong 1 Superfund là gì?

Thường tất cả các tài khoản trong Superfund sau khi được mở đều tự động đi kèm với 03 gói bảo hiểm sau:

  • Bảo hiểm khi qua đời (Death Insurance);
  • Bảo hiểm tật nguyền (Total & Permanent Disability Insurance – TPD);
  • Bảo hiểm thu nhập (Income Protection Insurance): bảo hiểm cho thời gian khi bạn không thể đi làm do bạn bị đau ốm hoặc tai nạn.

Cũng như các loại bảo hiểm khác, 3 gói này cũng có nhiều điều kiện và điều khoản đi kèm, các bạn tự tìm hiểu thêm nhé.

Hai gói bảo hiểm đầu tiên là được “gài” sẵn vào hợp đồng, nếu bạn ký hợp đồng mà không có ý kiến gì (thường là rất nhiều người không ý kiến gì hehe, vì nhìn giấy tờ điều khoản nhiều chữ quá, lại bé xíu xíu, nhìn là ngán đọc) thì chúng sẽ tự động được kích hoạt ngay khi quỹ nhận được khoản tiền super đầu tiên của bạn. Còn gói thứ 3 thì bạn phải liên hệ với quỹ để kích hoạt.

Bạn được quyền chủ động hủy các gói bảo hiểm bất cứ khi nào, hoặc tăng hay giảm giá trị bảo hiểm. Nếu bạn chỉ có 1 quỹ và đã có gia đình thì nên có cả 3 khoản bảo hiểm, khoản thứ 3 là cần thiết nhất là cho những ai có công việc vất vả, độc hại, có nhiều rủi ro về sức khỏe.

Ngoài các gói bảo hiểm này thì các quỹ có thể offer bạn các dịch vụ khác như tư vấn tài chính đầu tư cá nhân, v.v

6. Cách thức vận hành của Superfund ra sao?

Trước khi dùng tiền super của bạn để đầu tư, các quỹ đưa ra thực đơn để bạn lựa chọn các option chiến lược đầu tư khác nhau: ví dụ đầu tư tăng trưởng, cân bằng, hay thận trọng và nhiều biến thể khác (với đủ các loại tên gọi do chính mỗi quỹ đặt ra).

Mỗi option tương ứng với cơ cấu tỷ trọng danh mục đầu tư khác nhau giữa cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, tiền mặt, và có thể là bất kì cái gì có thể đầu tư. Nếu ở thời điểm ký hợp đồng mở tài khoản mà bạn không có chủ kiến thì thường các quỹ sẽ mặc định chọn option là Cân bằng (Balanced).

Bạn có quyền chủ động thay đổi option tại bất kì thời điểm nào, có những quỹ cho miễn phí thay đổi (switching fees). Phạm vi đầu tư của các quỹ là cả trong và ngoài Úc, cả cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết.

7. Có những loại phí nào bạn phải trả cho quỹ, và bị trừ dần vào tiền trong quỹ?
Để phục vụ cho việc quản lý và đầu tư tiền super của bạn, bạn sẽ phải chịu khá nhiều khoản phí:

  • Phí quản lý (Admin fee): phí này là 1 kiểu member fee, thường là 1 khoản tiền cố định hàng tháng (flat amount), nhưng có quỹ còn tính thêm cả 1 khoản tiền khác theo % số dư quỹ.
  • Phí đầu tư (Investment fee): gắn với việc thực hiện các giao dịch đầu tư mua bán từ tiền super của bạn, tính theo % số dư quỹ. Trong phí này ẩn chứa 2 loại phí là management fee (trả cho chuyên viên đầu tư) và performance fee (kiểu thưởng do đầu tư xuất sắc)
  • Phí gián tiếp (Indirect costs): là những phí đi kèm theo phí đầu tư, thường để trả cho các bên trung gian trên thị trường giúp hoàn tất giao dịch đầu tư từ tiền super của bạn, cũng tính theo % số dư quỹ. Trong phí này ẩn chứa 2 loại phí là transaction costs (phí cho brokerage, stamp duty, custody,…) và operational costs.
  • Ngoài ra mỗi quỹ có thể có thêm các khoản phụ phí khác, các bạn cần đọc trong PDS của quỹ.
  • Và tất nhiên 1 khoản đáng kể chính là phí bảo hiểm (insurance premiums) của các gói bảo hiểm đi kèm mà mình đã nói ở trên. Mỗi quỹ sẽ có các mức phí bảo hiểm khác nhau, các bạn cũng cần biết rõ.
  • Bạn cũng phải trả thuế 15% trên các khoản góp super mới vào quỹ theo quy định.
    Tất cả các khoản thuế, phí này đều bị trừ từ số dư tiền super của bạn trong quỹ, và trừ hàng tháng.

Ngoài các khoản thuế, phí kể trên thì số dư super của bạn tăng hay giảm chính là do hiệu quả lãi/lỗ từ đầu tư của chính quỹ đó. Dù cho quỹ làm bạn lỗ thì bạn vẫn tự động ngoan ngoãn thanh toán các khoản phí – hàng tháng, đều như vắt chanh, không thiếu một đồng! Nhân viên quỹ ai cũng được chúng ta “vỗ béo” cả!

8. Mỗi người nên có một hay nhiều superfund? Vì sao tiền superfund của bạn cứ không cánh mà bay không trở lại?

Bạn có biết rằng hàng năm có đến 2,6 tỷ đô mà nhiều người trong các bạn góp phần biếu không cho các quỹ theo đúng kiểu “hiến dâng trọn vẹn mà không biết tí gì” không? Quá đau và unfair! Đó là do việc có rất nhiều người có riêng cho mình nhiều hơn 1 superfund đang ở đâu đó (ước tính khoảng 10 triệu tài khoản dư thừa trên toàn Úc, mà mình cho rằng có khi còn hơn khi mà tổng số người lao động của Úc hiện tại là trên 12 triệu người), bị thả nổi lãng quên bởi chủ nhân luôn vì cứ nghĩ không làm gì thì tiền vẫn còn đó.

Đau lòng nhất lại hay rơi vào những người thu nhập trung bình và thấp, những người làm nhiều casual jobs, những bạn trẻ sinh viên, v.v. là những người làm việc rất vất vả, không có nhiều thời gian để mà quan tâm những việc khác, và/hoặc còn yếu tiếng Anh nên thường ngại tìm hiểu về superfund vì thấy quá rắc rối, dài dòng…

Tiền của bạn cứ mất dần đó chính là do tiền bị quỹ tự động trừ để thanh toán cho họ các loại phí như đã nói mà bạn không hay biết và do cả danh mục đầu tư bị lỗ dần nữa. Hậu quả đắng ngắt đã xảy ra, các câu hỏi vừa rồi đã giúp bạn phần nào hiểu cơ bản về Superfund, chúng ta đã có bài học khá chát, giờ đến lúc chúng ta cùng nhau đi tìm giải pháp qua các câu hỏi tiếp theo.

9. Làm thế nào để tra cứu thông tin về (các) superfund của mình? Tìm các superfund thất lạc?

Cách tiện nhất và nhanh nhất tớ thấy là qua website của ATO bởi lẽ chúng ta chỉ cần tóm đầu mã số thuế TFN của mình là ra hết các superfunds, đây là hướng dẫn nhé:
https://www.ato.gov.au/Individuals/Super/Growing-your-super/Keeping-track-of-your-super/
https://www.ato.gov.au/forms/searching-for-lost-super/

Cách thức chung là bạn vào tài khoản myGov của bạn, rồi link myGov với ATO, rồi click vào ATO trong myGov, rồi chọn SuperFund là sẽ ra các fund, rồi cứ thế gọi cho các funds thôi.
Qua ATO và myGov thì bạn sẽ thấy chỉ hiện lên các khoản đóng Super của bạn trong vòng 2 năm tài chính trở lại, mà không hiện lên những khoản bị khấu trừ mất đi trong quỹ.

Nhưng trên đó bạn sẽ thấy được tên các Superfund của bạn để bạn tìm số phone của họ và gọi họ trực tiếp, kể cả các Superfunds mà bạn đã đóng. Bản thân tớ cũng đã gọi fund nói chuyện, thế là ra hết các khoản khấu trừ, bắt họ giải thích các mục không rõ, và mình yêu cầu họ ngay sau đó gửi email tóm tắt các khoản đó cho mình, họ phải gửi luôn.

Cách tiện nhất và nhanh nhất tớ thấy là qua website của ATO bởi lẽ chúng ta chỉ cần tóm đầu mã số thuế TFN của mình là ra hết các superfunds.

Một cách khác là bạn nhờ chính Superfund mà bạn sẽ gộp tất cả các tài khoản vào đó, họ sẽ sốt sắng tìm hộ bạn ngay lập tức để nhanh nhanh tiền về với họ. Nhưng có lẽ họ chỉ tìm được thông tin về số dư còn lại trong các quỹ thất lạc, còn các thông tin chi tiết khác thì bạn vẫn phải tự làm việc với các quỹ như tớ nói ở trên.

10. Nếu đang có nhiều hơn 1 superfund thì nên làm gì?

Bạn nên gộp toàn bộ các quỹ vào 1 quỹ duy nhất. Các bước tớ gợi ý như sau:

  • Bước 1: Việc đầu tiên là bạn xem mình hiện tại đã có 1 Superfund tốt nhất chưa, nếu chưa thì tìm chọn cho mình 1 Superfund tốt nhất. Các bạn xem thêm câu hỏi 11 về tìm và mở tài khoản ở 1 Superfund tốt. Thủ tục mở tài khoản ở 1 Superfund bây giờ rất đơn giản, nhanh gọn, miễn phí. Bạn chỉ cần làm online trên website của họ, lấy form điền là xong. Họ sẽ email cho bạn và cả gửi thư tay tất cả các giấy tờ cần thiết.
  • Bước 2: Tiếp theo bạn cần biết mình đang có mấy quỹ, là những quỹ nào. Cách thức tra cứu bạn xem ở câu hỏi 8 nhé.
  • Bước 3: Sau đó bạn sẽ gộp tất cả những quỹ bạn đang có vào quỹ tốt nhất đó: gọi là Consolidate or Roll-over all funds. Thao tác này cũng khá đơn giản, nhanh gọn, thực hiện trên website của quỹ hợp nhất, miễn là bạn chuẩn bị đủ các thông tin cần cung cấp. Sau khi bạn click nút ok thì quỹ của bạn tự động làm việc với các quỹ kia và tất cả các việc còn lại, và hoàn toàn miễn phí.

Về phía các quỹ kia thì có thể một vài quỹ sẽ bắt bạn thanh toán phí trước khi đóng, gọi là exit fee và thường sẽ có kê ra trong PDS của họ (bạn xem thêm câu hỏi 11 về PDS), mức phí này nếu có thì thường quanh 50$.
Bạn có thể tham khảo thêm cách thức thực hiện ở đây: https://www.finder.com.au/how-to-change-super-funds
* Lưu ý là khi chuyến từ fund cũ sang fund mới thì coi như bạn “chốt lãi/lỗ” danh mục đầu tư của bạn ở fund cũ, và fund cũ sẽ chuyển số tiền bằng đúng giá trị danh mục đầu tư của bạn sang fund mới. Do vậy trước khi quyết định chuyển, bạn cần xem xét kĩ liệu sắp tới giá trị danh mục có tăng lên đáng kể đủ để chi trả (và còn dư) cho các mức phí chênh lệch so với fund mới hay không, nếu có thì có thể chờ đợi thêm 1 thời gian rồi mới chuyển sang fund mới.

11. Ai sẽ chọn Superfund cho bạn: bạn hay chủ doanh nghiệp? Bạn cần làm gì mỗi khi có job mới?

Đến lúc này thì bạn biết rằng bạn phải là người chọn Superfund cho chính bạn mà không phải chủ DN. Thường mỗi khi bạn chuyển công ty mới, nếu bạn không chủ động thì chủ DN sẽ sử dụng Superfund của công ty đó lựa chọn từ trước để làm luôn Superfund cho bạn.

Nếu may mắn đó chính là quỹ tốt nhất với bạn tại thời điểm đó thì không sao, còn nếu không phải thì bạn nên và được quyền chỉ định quỹ cho bạn. Về giấy tờ thủ tục thì đơn giản bạn chỉ cần “Employee super choice form” lấy từ website của quỹ của bạn, điền vô và đưa cho chủ DN là xong.

Đối tượng mình muốn lưu ý nhất ở phần này chính là những người có nhiều casual jobs (như làm nhà hàng, làm farm, làm cleaner, xây dựng, và nhiều công việc tay chân khác) vì thường chủ business cũng rất casual, và không chủ động, minh bạch thông tin về Super cho các bạn – nhiều anh chị cô bác đã có tuổi, hoặc là các bạn sinh viên đã bị thiệt thòi rất nhiều, rất đáng thương. Nhiều khi họ bị phụ thuộc vào chủ DN vì muốn có job nên cũng không để ý những vấn đề khác, vì thế dẫn đến tình trạng dần dần họ có 1 lúc rất nhiều superfunds mà không biết, mỗi fund có một ít tiền, rồi dần dần số tiền đó tự mất trắng vì bị tự động trừ các loại phí…

Nếu thấy bạn chủ động trong việc chỉ định Superfund cho mình thì chủ DN họ cũng sẽ nghiêm túc hơn trong vấn đề đóng super cho bạn, và bạn sẽ chỉ có 1 Superfund nên sẽ không bị mất tiền oan cho các loại phí.

12. Tiêu chí chọn 1 superfund tốt cho mình?

Theo mình chọn được 1 superfund tốt chính là bí quyết để bạn có một tài sản lớn sau này.
Cả Úc có đến trên 200 quỹ để lựa chọn, bởi vì đây là một mảng thị trường béo bở trị giá 2 nghìn tỷ đô, quá lớn để thấy nó là mảnh đất màu mỡ như nào để nhiều quỹ “làm giàu” trên chính tiền của các bạn. Thế nên bạn cần nghiêm túc lựa chọn và lựa chọn rất cẩn thận.

Các tiêu chí lựa chọn: cần dựa trên lợi nhuận bình quân cao tính trong dài hạn (ví dụ trong ít nhất 5-10 năm gần nhất), lợi suất đầu tư ổn định bền vững, các mức phí hợp lý (phí quản lý – admin fee, phí đầu tư, phí gián tiếp, phí bảo hiểm v.vv), và chất lượng các dịch vụ cung cấp (bao gồm cả thông tinh minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu).

Cả Úc có đến trên 200 quỹ để lựa chọn, bởi vì đây là một mảng thị trường béo bở trị giá 2 nghìn tỷ đô.

Ngoài ra mỗi quỹ lại có thế mạnh đầu tư vào những loại tài sản chủ chốt khác nhau, ví dụ quỹ thì mạnh về đầu tư bất động sản + sản xuất công nghiệp, quỹ khác lại mạnh về ngành dịch vụ du lịch, quỹ khác lại là hạ tầng + IT, hay y tế giáo dục, v.v. Do vậy có thể bạn khoái và biết rành nhất ngành nào thì bạn chọn quỹ tương ứng, tất nhiên cần đảm bảo khá tốt các tiêu chí lựa chọn trên.

Để lựa chọn được quỹ tốt các bạn cần tự mình tìm hiểu cụ thể nhé, vì là quyết định cá nhân quan trọng mà, mình cũng vẫn đang tiếp tục phải tìm hiểu thêm. Các bạn lưu ý việc tìm hiểu sẽ mất thời gian vì trong mỗi quỹ họ có thể lại thiết kế các gói Superfunds khác nhau, tùy theo khẩu vị đầu tư của mỗi người. Mỗi thiết kế đó lại tương ứng với các mức phí khác nhau, và các mức rủi ro khác nhau. Tuy nhiên cũng đáng để bỏ công tìm hiểu vì nó ảnh hưởng đến giá trị tài sản khá lớn sau này của chúng ta mà.

Các bạn có thể tham khảo thêm báo cáo về các Superfund của Ủy ban Năng suất Úc mà tớ nêu ở câu hỏi 12.

Sau khi tìm hiểu tạm ra được 1 shortlist các quỹ có vẻ tốt thì tiếp theo bạn cần xem bản thông tin sản phẩm của các quỹ để so sánh – gọi là product disclosure statement (PDS). Các bạn cứ lên website của các quỹ, hoặc Google là ra các PDS này. Và nếu muốn xem nhanh thì các bạn xem luôn mục về Fees đầu tiên, rồi sau đó xem tiếp các mục khác.
Một số quỹ có vẻ tốt, các bạn thử tìm hiểu nè: Australian Super, QSuper, First State Super, Rest, CareSuper, Sunsuper, Hostplus, CBus, Hesta, Equip
Các bạn tham khảo thêm website hữu ích này: https://moneysmart.gov.au/how-super-works/choosing-a-super-fund

13. Quản lý Superfund của bạn như thế nào?

Các superfunds ở Úc mặc định bạn phải tự theo dõi online khoản super của bạn, nên họ ít khi chủ động và thường xuyên liên lạc với bạn (qua phone, email). Mỗi khi họ liên lạc thì rất nhiều thông tin, làm bạn bối rối và ngại đọc – chẳng khác gì nhìn vào bản hợp đồng/ chính sách bảo hiểm với chữ bé li ti lít nhít trong nhiều trang giấy vậy. Thế nên bạn phải là người chủ động trong việc quản lý Superfund thôi. Mình gợi ý một số điều như sau:

  • Tạo tài khoản ngay từ đầu rồi thường xuyên, định kỳ kiểm tra account bằng cách dùng app của họ hoặc website của họ.
  • Nhớ để ý cập nhật cho (các) superfund của mình về bất kì thông tin cá nhân thay đổi nào: số đt, email, địa chỉ nhà. Nhiều người không cập nhật nên không bao giờ nhận được thông tin về super, báo cáo số liệu cuối năm tài chính về tất cả các khoản mục lãi lỗ chi phí khấu trừ trong super của họ… thế nên họ tự dưng mất tiền thôi.
  • Tìm hiểu ngay các thay đổi cập nhật của chính phủ liên quan đến Superfund: thường sẽ có trên website, các bản tin, hoặc tử tế thì superfund gửi email/ thư tay cho bạn. Ví dụ: một thay đổi rất cơ bản và đáng kể, áp dụng từ 1/7/2019 là tài khoản Superfund nào inactive trong vòng 16 tháng sẽ bị ATO thu về quản lý và các khoản bảo hiểm trong TK đó tự động bị hủy hết hiệu lực; các TK mà có số dư dưới 6.000$ cũng bị chấm dứt các khoản bảo hiểm trừ khi bạn liên hệ với Superfund hoặc điền đơn yêu cầu giữ các khoản bảo hiểm đó. Từ thay đổi này mới phát hiện ra rất nhiều người đã không quản lý Superfund của mình, không biết mình có bao nhiêu khoản nằm trôi nổi ở đâu, không biết khoản tiết kiệm của mình còn giá trị bao nhiêu tiền, đến khi kiểm tra thì có khi nó về gần bằng không, coi như mất trắng.
  • Tự tìm hiểu, cập nhật thông tin tình hình kinh tế xã hội, và cả kiến thức đầu tư liên quan đến danh mục đầu tư chủ chốt trong Superfund của mình (vì mỗi Superfund có thế mạnh với các mảng đầu tư khác nhau, cái thì mạnh về bất động sản và/hoặc ngành du lịch khách sạn, cái thì mạnh về công nghiệp, khai khoáng, xây dựng v.v…). Để từ đó khi dự đoán được hoặc mới xảy ra biến động vĩ mô lớn thì có hành động kịp thời, ví dụ nếu cần là chuyển sang tỷ lệ phân bổ đầu tư khác để giảm rủi ro, hoặc thậm chí chuyển sang quỹ khác. Các hành động thay đổi này tớ thấy chỉ nên làm khi mình phát hiện sớm, hoặc khi tình hình vĩ mô là thấy khá rõ rằng nó sẽ còn kéo dài khá lâu, tính bằng năm, còn nếu không thì chúng ta nên nằm im, quan sát tiếp; vì nếu bạn quyết định thực hiện thay đổi thì các khoản đang gọi là lỗ trên giấy tờ sẽ trở thành lỗ thiệt (chốt lỗ), mất tiền thiệt; còn với quỹ tốt thì qua mỗi đợt sóng gió thị trường họ vẫn vượt qua, và cho hiệu quả đầu tư tốt trong dài hạn.
  • Theo dõi các bản đánh giá năng lực, hiệu quả hoạt động của các quỹ Superfund do các cơ quan chuyên môn, các báo chuyên sâu viết: ví dụ đây là báo cáo rất hay của Ủy ban đánh giá Năng suất Úc (Productivity Commission) vào tháng 1/2019 được thực hiện do chính Mr ScoMo lúc đó vẫn còn là Trưởng Ngân khố yêu cầu; cũng may là có báo cáo tóm tắt chưa đầy 100 trang cho các bạn): https://www.pc.gov.au/inquiries/completed/superannuation/assessment/report

Báo cáo này có nhiều phân tích giúp bạn cách đánh giá được đâu là các quỹ tốt và các quỹ xấu, đáng để tham khảo. Báo cáo này cũng reveal ra bạn có thể mất rất nhiều tiền nếu dùng 1 Superfund tồi, ví dụ: 1 người đi làm và bắt đầu đóng Super từ 21 tuổi với mức lương 51k$/năm đến lúc nghỉ hưu là 67 tuổi thì có thể được hưởng 1 gia sản 1,1tr$ nếu may mắn gửi trúng 1 Superfund top đầu, nhưng ngược lại có thể chỉ được hưởng 610k$ nếu là 1 quỹ tệ à nhẹ nhàng mất đi 502k$ tiền của mình.

14. Cách thức nào để xây dựng tài sản qua Superfund? Tận dụng lợi thế để giảm thuế nhờ đó tiết kiệm thêm tiền qua Superfund thế nào?

Sẽ có rất nhiều cách thức, và tớ cũng đang tiếp tục tìm hiểu. Ở đây mình sẽ nói về những cách thức cơ bản. Và rất mong các bạn những ai biết thì bổ sung cho chúng ta cùng học hỏi và tham khảo nhé.

  • Tip 1: chọn quỹ quản lý Superfund tốt. Các bạn xem lại câu hỏi số 12.
  • Tip 2: lựa chọn chiến lược đầu tư (cơ cấu danh mục đầu tư) phù hợp với kế hoạch, mục tiêu và hoàn cảnh của bạn (hoàn cảnh khách quan, chủ quan: thu nhập, tuổi tác, khẩu vị, ý kiến vợ/chồng, tình hình vĩ mô chung hoặc từng ngành, v.v.)
  • Tip 3: tự nguyện nộp thêm vào quỹ tiết kiệm Superfund của mình.

Có 2 cách để bạn tự nguyện nộp thêm, và bạn có thể thực hiện đồng thời cả 2 cách:
+ Cách 1: Salary-sacrifice arrangement (là personal before-tax super contributions): bạn tự thỏa thuận đề nghị chủ DN đồng ý cho bạn trích thêm một phần lương để chủ DN gộp với phần 9.5% bắt buộc rồi thay bạn đóng trực tiếp vào Superfund của bạn. Lưu ý bạn cần liên hệ với Superfund của bạn để lấy form “Standard salary sacrifice”, có những quỹ thì để sẵn form này trên website của họ.
+ Cách 2: Tự nguyện đóng thêm từ tiền túi của bạn (voluntary after-tax super contribution): mình có nói thêm ở câu hỏi 15 ở dưới.

Ở cách đầu tiên khi bạn “tạm thời hi sinh” một phần lương vào Super, thì phần thu nhập đó của bạn chỉ phải chịu mức thuế là 15%, trong khi đa phần chúng ta phải đóng thuế ở mức 32,5% (khi mức thu nhập chịu thuế từ 37k-90k$/năm) và mức cao hơn, tức là ít nhất chúng ta giảm được 17,5% tiền thuế từ khoản thu nhập đóng vô Super đó – giảm được trên 1 nửa số thuế phải đóng cho khoản thu nhập “tạm thời hi sinh” đó. Như vậy chúng ta có thêm 1 khoản tiết kiệm khá đáng kể rồi. Không chỉ giảm được thuế, vì số tiền super này lại được quỹ tiếp tục đầu tư sinh lời (nếu là quỹ tốt) nên bạn sẽ tiếp tục hưởng lợi nhiều hơn.

Phần super bạn tự nguyện đóng thêm theo cả 2 cách cũng sẽ chỉ chịu thuế suất 15% như đã nói ở câu hỏi trên (khi đó với cách thứ 2 thì chúng ta sẽ khai khoản góp từ tiền túi là 1 khoản khấu trừ thuế – mục D12 mà mình có nêu ở câu 15 ở dưới).

Phần super bạn tự nguyện đóng thêm trong 1 năm gộp cùng phần Super bắt buộc 9.5% mà chủ DN đóng cho bạn không được vượt quá 25.000$ (concessional contribution cap).
Lưu ý là nếu năm nay số tiền đóng góp super của bạn không tận dụng đóng được tối đa 25k$ thì năm sau bạn vẫn sẽ được tận dụng tiếp (carry forward), nghĩa là bạn có thể góp super tối đa số tiền = 25k$ + phần dư của năm trước, phần dư này được tận dụng trong vòng 5 năm tiếp theo, cách tận dụng này chỉ được phép nếu số dư super của bạn dưới 500k$. Ví dụ: năm 1 đến năm 4 bạn chỉ góp super được 5k/năm, thì vô năm 5 bạn được phép đóng 25k$ + 20k$ x 4 = 105k.

Với những năm kinh tế phát triển vững mạnh và quỹ làm ăn tốt thì chúng ta nên tận dụng tối đa chiến thuật này.

Lưu ý thêm: Hiện tại chính phủ Úc đang khuyến khích mọi người tăng tiết kiệm qua Superfund, nhất là những người có thu nhập trung bình và thấp. Cụ thể với những người có thu nhập hàng năm dưới 38.564$ (cho năm 2019–20), nếu bạn tự nguyện đóng thêm vô Super 1 khoản ít nhất 1.000$/năm thì bạn sẽ được chính phủ “cho” thêm 500$/năm vô Superfund của bạn. Còn nếu thu nhập nằm giữa 2 mức 38.564$ và 53.564$ thì mức cho thêm của chính phủ sẽ giảm dần khi thu nhập lên sát mức trên. Để được chính phủ hỗ trợ thế này bạn phải là PR hoặc có quốc tịch Úc nhé.

Ví dụ minh họa: Mỗi tuần bạn tự nộp thêm vào Superfund 100$ thì giả sử bạn bắt đầu nộp từ năm 40 tuổi đến năm 60 tuổi là lúc bạn được khai thác quỹ lương hưu, bạn sẽ tiết kiệm được thêm trên 110k$ (giả định mỗi năm lãi từ đầu tư trong Superfund của bạn là IR = 5%, lạm phát 3%/năm, lương tăng 3,5%/năm), còn nếu IR là 8%/năm thì bạn sẽ có thêm khoản tiết kiệm trên 150k$ ở tuổi 60.

Theo như mình biết, sắp tới độ tuổi chính thức về hưu ở Úc theo quy định sẽ nhích dần lên, có thể tăng đến 70 tuổi, nên vẫn còn cơ hội tiết kiệm, tích lũy đầu tư cho những ai ham làm, còn sức lao động đến tận 70.

Bạn có thể tự tính toán cho mình với đủ các loại giả định, kế hoạch, mong muốn về super của bạn qua công cụ thử tính toán sẵn có trên mạng, ví dụ link này khá tiện dụng với nhiều options cho bạn: https://www.industrysuper.com/calculators-and-tools/

  • Tip 4: Mua căn nhà đầu tiên ở Úc bằng cách tiết kiệm qua Superfund – First home super saver scheme in your super (FHSSS)

Bình thường mọi người sẽ không được rút super của mình trước khi đến tuổi quy định, hoặc rơi vào 1 số hoàn cảnh cho phép. Còn theo chính sách này thì bạn được phép rút để sử dụng vào việc mua căn nhà đầu tiên ở Úc.

Bình thường mọi người sẽ không được rút super của mình trước khi đến tuổi quy định, hoặc rơi vào 1 số hoàn cảnh cho phép. (Ảnh: independent)

Bạn thực hiện thông qua cách tự nguyện đóng super như đã nói ở trên, chỉ hơi khác là bạn cần tận dụng tối đa bằng cách đóng hết mức cho phép của chính sách này là 15k$/năm đến khi đạt 30k$ (mức tối đa của chính sách). Vợ/chồng bạn cũng nên đóng tương tự vì ATO cho phép cả 2 vợ chồng cùng tiết kiệm kiểu đó để mua chung 1 căn nhà (như vậy tổng số 2 vợ chồng có thể tiết kiệm nhanh là 60k$ sau 2 năm).

Nghĩa là thay vì bạn gửi tiết kiệm ở ngân hàng (lãi suất thường rất thấp, và lãi được hưởng cuối năm vẫn phải chịu thuế cao) thì các bạn nộp vô quỹ super của mình để dành tiền mua nhà, sẽ tiết kiệm nhanh hơn nhiều so với đi gửi ngân hàng.

15. Các vấn đề về thuế liên quan đến Superfund?

  • Phần super chủ DN đóng cho bạn (tỷ lệ 9.5%) sẽ chịu mức thuế là 15% nếu thu nhập trước thuế và super của bạn dưới 250k$, nếu trên 250k$ thì chịu thuế 30% (số thuế này sẽ do bên quỹ trừ trực tiếp vào số dư tiền trong Superfund của bạn để nộp cho ATO thay bạn, chứ không phải nằm trong số thuế mà chủ DN giữ lại trước khi trả lương cho bạn – “PAYG withholding tax”)
    Lưu ý nếu thu nhập của bạn dưới 37.000$/năm thì phần thuế 15% trên khoản Super sẽ được ATO tự động hoàn lại vào Superfund của bạn cuối năm sau khi bạn khai thuế – cái này gọi là low-income super tax offset (LISTO). Mức LISTO tối đa được hoàn lại là 500$/năm.
  • Phần bạn tự nguyện đóng thêm Super từ tiền túi của bạn (ví dụ bạn chuyển tiền trực tiếp từ bank account của bạn vào TK super của bạn) sẽ được coi là 1 khoản khấu trừ thuế (mục D12 khi khai thuế – Personal super contributions), với điều kiện trước khi đóng các bạn phải liên hệ với Superfund của mình để lấy được 1 giấy xác nhận của quỹ (bằng cách bạn điền và nộp quỹ form NAT 71121 – Notice of intent to claim or vary a deduction for personal contributions, form này lấy trên ATO website)
  • Nếu bạn đóng Super thay cho vợ/chồng bạn thì bạn cũng đươc khai và hưởng 1 khoản giảm trừ thuế (Tax offset) là mục T3 – Super contributions on behalf of your spouse. Cái này chỉ áp dụng cho công dân Úc thôi, khi spouse của bạn có thu nhập theo quy định dưới 40k$/năm, và tối đa mức giảm trừ thuế được hưởng là 540$/năm.

16. Bạn cần kêu ai khi phát hiện các sai phạm đối với các khoản super của bạn?

Bạn lưu ý là chủ DN có thể đóng phần Super bắt buộc 9.5% theo tháng hoặc theo quý (cuối quý) nhé. Nếu chủ DN mà không đóng, đóng thấp hơn hoặc đóng sai cho bạn thì sau khi làm việc riêng với họ không được, bạn có thể khiếu nại lên các tổ chức sau:

Còn nếu bạn thấy chính bên quỹ quản lý Superfund của bạn có vấn đề thì có thể khiếu nại họ đến 2 cơ quan này:

  • Superannuation Complaints Tribunal: dành cho các khiếu nại liên quan đến các khoản đóng Superfund từ 31/10/2018 trở về trước: https://www.sct.gov.au/public/ , Phone: 1300 884 114, Email: info@sct.gov.au, hoặc lên thẳng trụ sở ở Melbourne
  • The Australian Financial Complaints Authority (AFCA): dành cho các khiếu nại sau 31/10/2018 trở lại đây: https://www.afca.org.au/make-a-complaint/superannuation

Hi vọng từ nay sẽ có thêm nhiều bạn trở thành triệu phú khi về hưu thay vì nhăn nhó vì tự dưng mất toi hơn 500k$.

Bài viết này được dựa trên một vài giả định như sau:

  • Dành cho những người thu nhập từ 150k$/năm trở xuống (là đại đa số người lao động ở Úc)
  • Tuổi về hưu từ 60-65
  • Nền kinh tế ở điều kiện bình thường, không bao gồm bị khủng hoảng suy thoái nặng nề, kéo dài
  • Lạm phát bình quân quanh mức 3%/năm
  • Chính sách của chính phủ đối với Superfund, thuế và tài chính nói chung không có thay đổi lớn đến mức làm hoạt động của các quỹ cũng bị thay đổi lớn, đột ngột

Mình viết bài này với tư cách là một cá nhân tự tìm hiểu, và tớ không làm dịch vụ về Superfund. Do vậy nội dung bài viết chắc chắn còn chưa hoàn chỉnh, và chưa chạm đến nhiều thứ hay ho, bổ ích khác liên quan đến Superfund. Rất mong các bạn cùng bổ sung, đóng góp để chúng ta cùng học hỏi, tham khảo và được hưởng lợi cùng nhau.

Rất mong bài viết sẽ hữu ích cho nhiều người.

Nguồn: Harry Huong The Nguyen