Câu chuyện đi làm chui vì quá cần tiền của sinh viên du học tại Pháp

0
352

Vietucnews – Dưới đây là tâm sự của một du học sinh đi làm chui vì quá cần tiền, làm việc hết mình nhưng chỉ lo chủ đuổi tại Pháp.

Quận 13 “cực nhọc” của riêng tôi

Một người bạn giới thiệu tôi vào làm phụ bếp cho một nhà hàng Việt.

Ở đây, phụ bếp có nghĩa là làm tất cả. Là đến sớm đi chợ, còng lưng đẩy một xe hàng to. Là dọn dẹp lau chùi, là thái thịt rửa rau, là lau nhà cọ bếp, là quay cuồng giữa một đống bếp ga bốc lửa hừng hực, xào nấu những món đơn giản, trong khi mắt còn trông chừng nước sôi, chảo nem quá lửa và nhất là rửa bát, chao ôi là rửa bát.

Không phải vì tôi là gã công tử chưa biết mùi lao động hay không quen rửa bát. Tôi từng là kẻ quậy phá trong suốt một thời gian dài. Nhưng trong chính thời gian đó hay bất kỳ lúc nào khác, khi ở nhà, tôi là một “thiên thần” theo cách gọi “mỉa mai” của mấy cậu bạn tôi. Dù là con trai nhưng ở nhà tôi tự giác nấu cơm rửa bát, dọn dẹp nhà cửa không cần ai thúc giục. Bởi từ bé mẹ tôi đã bảo “con trai con gái đều phải ăn thì đều phải làm như nhau, công việc chia đều, cái gì cũng phải biết”.

Bởi chị tôi thì bận học, rồi đi dạy thêm kiếm tiền phụ giúp gia đình, ba mẹ đi làm về cũng đi làm thêm, tôi bỗng dưng thành người nấu cơm rửa bát thường xuyên trong nhà. Có thời gian nhà tôi ở tầng cao không có nước, ngày nào tôi cũng gánh cả chục gánh nước cho cả nhà sinh hoạt nên tôi quen với những việc này lắm, kể cả những việc nặng nhọc. Và tôi là người có sức khỏe, chơi thể thao thường xuyên ở mức độ gần như chuyên nghiệp.

Quận 13, Paris.

Ấy thế mà làm việc ở nhà hàng ấy chỉ một thời gian ngắn tôi đã thấy mình kiệt sức. Một ngày lao động 14 tiếng gần như không nghỉ. Thật ra trên hợp đồng thỏa thuận bằng miệng thì có hai tiếng nghỉ trưa. Nhưng không có trưa nào mà bà chủ không nghĩ ra việc cho tôi làm. Có hôm thì mang cả đống nồi ra đánh cho trắng bóng lên, có hôm thì bắc ghế lau trần nhà. Những việc ấy sau này tôi mới biết là cả chục năm rồi không có phụ bếp nào chịu làm, chỉ có tôi là bị bắt phải làm.

Bởi vì tôi đi làm theo kiểu làm chui, không có giấy tờ (ở Pháp, sinh viên nước ngoài được quyền đi làm, nhưng không quá 20 tiếng một tuần. Nếu muốn làm hơn thì chỉ có cách làm chui, không có hợp đồng gì cả, và nếu bị bắt thì rất phiền hà, có thể năm sau đó không được ở lại Pháp nữa) và vì tôi cần tiền quá, làm việc hết mình mà chỉ lo nhất bị chủ đuổi, nên bà bắt làm gì tôi cũng lao vào làm như thiêu thân.

Trong cái bếp bé chừng bảy mét vuông ấy, mùa đông cũng như mùa hè, lúc nào cũng nóng đến 40 độ, vì phòng bé, trần thấp, hai bếp chính, một bếp phụ và sáu cái bếp ga thi nhau tỏa nhiệt. Có một cái cửa sổ nhưng không dám mở vì sợ khói bay sang nhà hàng xóm. Nóng đến nỗi, cứ 15 phút tôi lại phải nhúng cả nửa người vào vòi nước, thế mà 15 phút sau người đã khô cong, quần áo khô đến mức cứng lại như giấy.

Cả buổi tối phục vụ xào nấu, bát đĩa khách ăn cho vào các thùng nhựa lớn. Thỉnh thoảng tôi mới có thời gian rửa một thùng để lấy bát đĩa quay vòng. Cuối buổi là cả chồng thùng chất cao, rồi nồi niêu xoong chảo. Kết thúc giờ làm vào 11, 12 giờ đêm, cũng là khi sức cùng lực kiệt, giới hạn chịu đựng của con người đã ngấp nghé (hoặc có thể đã bị vượt qua từ rất lâu). Mà còn phải làm nhanh, làm sạch và không quá ồn ào vì hàng xóm sẽ kiện nếu anh gây ra tiếng ồn ban đêm.

Mỗi thùng bát nặng chừng 30kg nhấc lên chậu rửa, ban đầu veo một cái là lên, càng về cuối càng không nhấc nổi. Có khi tôi phải khom người xuống, nhấc thùng bát đặt lên đùi để thở, để lấy sức, rồi ép vào tủ bếp, kéo dần lên đến ngang thành chậu, rồi mới dồn sức nhấc hẳn lên mặt bồn rửa. Rất nhiều khi tôi nghĩ mình đang rửa bát bằng ý chí, còn thân xác tôi đã kiệt sức từ lâu lắm rồi.

Có hôm tôi đang nâng thùng bát lên thì anh đầu bếp chạy qua vứt thêm vào một cái thìa, thế mà tôi buông rơi thùng bát cái rầm. Vì lúc ấy sức đã kiệt, trong đầu chỉ chuẩn bị cho ngần ấy thôi, thêm vào một cái thìa mà tinh thần không có sự chuẩn bị thì cũng không chịu nổi.

(Ảnh minh họa: upserve)

Có một lần sáng tôi đến sớm, trong bếp chưa có ai. Nhìn thấy một đống tấm lọc của hệ thống hút khói ngâm trong bồn rửa, tôi không hỏi han gì ai, xắn tay lên, xông vào rửa. Ban đầu cảm thấy đau nhức ở tay, tôi chỉ nghĩ là mình bị nẻ (hồi ấy mùa đông, khí hậu rất khô, một ngày ngâm nước ngâm xà phòng nhiều giờ nên tay tôi nứt nẻ ra, mà không dám dùng găng vì không quen nên làm rất chậm).

Mười phút sau anh đầu bếp mới đến. Anh hét lên, chạy vào giật tay tôi ra: cả hai bàn tay và cánh tay tôi đã đỏ lừ, da gần như bị lột ra. Hóa ra đêm hôm trước anh ngâm đống tấm lọc khói ấy bằng axit loại mạnh để tẩy hết dầu mỡ. May mà có cho thêm nước và sau một đêm axit đã hả đi phần nhiều, nếu không chắc lúc rút ra tay tôi chỉ còn xương.

Thế mà hôm ấy, bà chủ chỉ bôi cho tôi chút mỡ trăn rồi lại bắt tôi đeo găng vào rửa bát tiếp như bình thường, còn quát tháo tôi rửa chậm không kịp tiến độ, rồi dọa đuổi việc, trừ lương. Cả đêm hôm ấy tôi nhức tay không ngủ được, ít ngày sau da bị bóc ra hết, da mới còn chưa kịp lên, đỏ lừ mà tôi vẫn rửa bát, đêm nào về cũng ngồi nhìn hai cánh tay sưng rộp lên, không ngủ được mà cũng không khóc được. Sau này tôi mới biết bình thường nếu xảy ra chuyện đó tôi phải được nghỉ nhiều ngày đến khi tay lành hẳn mà vẫn được hưởng lương, bà chủ còn phải bồi thường cho tôi và chịu mọi chi phí điều trị.

Nhưng khi ấy tôi chưa biết, tôi chỉ không hiểu tại sao cũng là con người, lại cùng là người Việt xa quê mà người ta có thể đối với nhau như thế. Không chút yêu thương đã đành mà dường như còn đầy thù hận.

Dần dần sau này, tôi mới hiểu. Tôi không viết rõ ra đây, chỉ biết rằng, trước, trong và sau cuộc “di cư”, hầu hết trong số họ đã có nhiều mất mát, đau đớn, ám ảnh về cả vật chất lẫn tinh thần. Và khi con người mất đi những gì quan trọng nhất, lại mất cả niềm tin thì tình người không phải là thứ dễ dàng ban phát. Tôi nhận ra rằng so với nỗi đau mà họ mang, những gì tôi đang phải chịu đựng không có gì ghê gớm, rằng cách họ đối xử với tôi vẫn còn “tử tế”.

Và tôi chấp nhận được hết bởi có một điều tôi khác họ: trong lòng tôi có một niềm tin, một quyết tâm mạnh hơn nhiều sức mạnh của chính tôi. Tôi biết rằng một ngày những chuyện ấy sẽ kết thúc, tôi sẽ tốt nghiệp, sẽ đi làm, sẽ sống đàng hoàng như ba mẹ tôi mong ước và như tôi tự hứa với chính mình.

Tôi đã khóc, chỉ một lần duy nhất…

Khi ấy, tôi đã chuyển sang một nhà hàng khác, lương được cao hơn và chỉ làm 10 tiếng một ngày nhưng cường độ thậm chí còn kinh khủng gấp mấy lần chỗ cũ. Nhà hàng tôi làm là một chuỗi sáu nhà hàng nhưng chỉ có một cái bếp cung cấp đồ cho cả hệ thống với hai bếp chính, một bếp phụ là tôi và một cậu da đen rửa bát (Lạy trời, ít ra tôi cũng thoát được chức “rửa bát”).

Tôi làm việc đúng kiểu “công nghiệp hóa và chuyên môn hóa” cao. Cái gì cũng được lập trình sẵn, có hẹn giờ, làm như một cái máy. Một ngày làm việc của tôi được xác định bởi những khối lượng: thái 25kg hành Tây (vừa thái vừa “khóc” như mưa vì cay mắt không chịu nổi), thái 40kg thịt gà và 20kg thịt bò đông lạnh (tay tôi cóng đến mức nhiều khi cắt vào tay mà không biết), rán khoảng hai nghìn cái nem, nấu khoảng 40kg gạo, hấp hàng nghìn cái há cảo, chuẩn bị hàng chục khay mỳ, khay cơm trộn. Rồi bóc vỏ vài chục thùng tôm (cũng đông lạnh), mổ và nhổ xương (bên này họ không chịu nhằn xương đâu nhé) vài chục cân cá (cũng đông lạnh) rồi khuân bát sạch lên gác (bếp ở dưới tầng hầm) rồi khuân bát bẩn xuống cho cậu da đen rửa, rồi… rồi…

Xung quanh tôi luôn có năm, sáu cái timer (đồng hồ báo thức chuyên dụng) đặt sẵn, cái thì nhắc đảo nem, cái thì nhắc đổi vỉ há cảo, cái thì canh nồi cơm, cái thì canh nồi tôm luộc… Nhiều khi chúng thi nhau kêu toáng lên, không biết đằng nào mà làm cho kịp.

Sức ép công việc là thế, sức ép tinh thần còn nặng nề hơn, camera gắn ở khắp nơi, trong cái bếp nhỏ cũng có đến ba, bốn cái. Làm việc mà có cảm giác như xem phim “Thời đại công nghiệp” của Chaplin, tôi vẫn đang làm việc, chỉ vừa ngẩng lên cười đùa chút xíu với anh đầu bếp, đã có loa gọi nhắc nhở. Lão chủ người Hoa, nhưng biết nói tiếng Việt, đúng hơn là biết chửi bằng tiếng Việt, mở mồm ra là “Đ… má mày”. Hồi đầu mới nghe lão chửi thề liên tục, tôi uất ức lắm, cảnh báo lão “Ông nói với tôi mà đ… thêm một lần nữa là tôi đập ông đấy nha. Muốn mắng gì thì mắng, đừng có đụng tới má tôi”. Lão trợn mắt lên “A, ở đây chưa có thằng nào dám dọa tao mà mày dám? Đ… má mày”.

Vậy là tôi lao tới liền, nhìn mặt tôi lão biết tôi không chỉ dọa, lão liền co giò chạy, tôi đuổi theo túm cổ, may mà có mấy anh khác nhảy vào lôi ra, không thì hôm đó chắc tôi cho lão méo mồm luôn. Các anh ấy bảo “Tao làm việc ở đây hơn hai chục năm, lão chủ khiếp lắm, thằng nào cũng sợ như cọp. Cãi lại còn chưa dám, đừng nói dọa chủ, túm chủ đòi đánh như mày. Chắc nó cho mày nghỉ luôn”.

Nhưng không, lão không đuổi tôi, lão cần tôi quá. Sau này tôi mới biết một mình tôi làm khối lượng công việc của hai người trước đây. Sau hôm ấy mỗi lần nhìn thấy tôi, lão cũng cố nói năng đàng hoàng hơn. Tôi cũng biết rằng lão nói như vậy vì nghe người ta nói nhiều thành quen, chứ bản thân lão chưa từng ý thức được câu ấy ý gì, còn tôi cũng cần lão, nói đúng hơn là cần tiền của lão, bởi vậy tôi vẫn tiếp tục “cày” mỗi ngày.

Một ngày, trong đầu tôi đang nghĩ đến việc đến giờ nghỉ trưa, tôi sẽ chạy ra bốt điện thoại gọi điện về chúc mừng sinh nhật cậu bạn thân, chắc sẽ được nói chuyện với cả lũ bạn lần đầu tiên từ ngày rời Việt Nam.

Lúc ấy tôi đang cắt dăm bông bằng một cái máy cắt công nghiệp lớp với lưỡi cắt quay tốc độ cao. Chỉ một chút thoáng mệt, một giây mất tập trung, một động tác nhỏ sai quy trình, tôi đưa ngón tay vào lưỡi cắt. Nghe thấy tiếng động lạ, lưỡi cắt rít lên, hai đầu bếp bên cạnh nhìn sang hét lớn. Tôi không kịp cảm thấy đau, chỉ thấy cái gì ướt hết mặt. Đưa tay lên vuốt đều là máu của mình, máu theo lưỡi cắt văng lên ướt mặt tôi, ướt hết cả áo. Tôi mới nhìn đến ngón tay mình: nó như bị chẻ làm đôi, vết cắt chạm vào đến xương. Anh đầu bếp lao đến, cầm cả một đống khăn giấy bịt đầu ngón tay tôi.

(Ảnh minh họa: firstwefeast)

Để cầm máu và để tôi khỏi nhìn thấy. Có nhiều người khi nhìn thấy vết thương của mình thì sợ quá, bất tỉnh. Tôi thì không sợ. Tôi chưa bao giờ biết sợ trong những lúc nguy hiểm. Nhưng vết thương ra nhiều máu quá, không khăn nào cầm được. Anh kéo tôi vào hàng thuốc bên cạnh, người ta tiêm trực tiếp thuốc cầm máu vào đầu ngón tay tôi mà máu không cầm được. Anh lại lôi tôi ra vẫy taxi vào viện. Nhưng gã taxi nào ngay từ xa nhìn thấy máu tuôn xối xả từ tay tôi cũng đều vòng xe bỏ chạy. Đến khi mắt tôi hoa đi vì mất máu thì một chú đưa hàng của quán đánh xe về, thế là có xe đến viện.

Khâu mười mấy mũi xong, tôi trở về quán, mặt tái nhợt vì mất máu. Lão chủ xông vào mắng chửi rồi bảo tôi làm ăn cẩu thả nên bị tai nạn, làm náo loạn cả quán, nhiều khách nhìn thấy sợ gần ngất, rồi lão bảo tôi đeo găng vào mà làm tiếp. Vẫn thế (làm như cái găng tay ở Pháp là một phép màu nhiệm, chữa lành mọi vết thương).

Khi ấy tôi vẫn chưa biết thế nào là “chế độ” khi bị tai nạn lao động ở Pháp, chỉ biết rằng nếu không làm sẽ bị đuổi việc. Lão chủ thậm chí còn trừ thời gian đi bệnh viện vào thời gian nghỉ trưa của tôi. Tôi vẫn chưa quên sinh nhật bạn, tôi xin 15 phút để ra cabin giữa phố gọi điện, đồng nghĩa với việc khỏi ăn trưa, nhưng ít ra cũng được chuyện trò với các bạn tôi.

Điện thoại thông với đầu bên kia, tiếng cười đùa, hát hò, chúc tụng ầm ĩ, tôi chỉ kịp nói lời chúc sinh nhật và hỏi thăm anh em rồi nói rằng “Tao ổn lắm, khỏe lắm, học tốt lắm”, vậy là tất cả ùa vào, nói “mày sướng nhé, ai cũng mừng cho mày, ai cũng mong được như mày, bao nhiêu người ghen tị, sướng như thế thì phải chia cho anh em một chút, đừng có hưởng cả nhé…” Không biết vì mệt, vì thiếu máu hay vì bao nhiêu cảm xúc lẫn lộn mà tai tôi ù đi. Tôi không cúp máy mà ôm chiếc điện thoại vào lòng. Từ từ ngồi xuống cabin.

(Ảnh minh họa)

Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong suốt những năm ở Pháp tôi khóc. Mà không phải, tôi không khóc, không có bất kỳ âm thanh nào thoát ra khỏi cổ, chỉ nước mắt tự chảy ra, lăn dài trên má, tràn xuống ướt đẫm cả ngực chiếc áo mới thay vẫn còn dính loang vệt máu. Tất cả những mệt nhọc hờn tủi, những thèm khát tình cảm không được chia sẻ, những áp lực, những nỗi lo lắng bộn bề, những nỗi đau thể xác và tâm hồn ùa về, ngập đầy trong lồng ngực rồi theo hai khóe mắt mà tràn ra. Xung quanh người xe tấp nập.

Trong điện thoại, không ai cảm nhận được sự đột nhiên yên lặng của tôi, tất cả vẫn cười đùa, nhạc vẫn ầm ầm. Tôi ngồi trong cabin kính trong suốt, nhìn thấy tất cả, mà không thấy gì, nghe thấy tất cả, mà chỉ nghe thấy chính mình. Tôi thấy chỉ có một mình mình trên thế giới này. Hiểu rằng chỉ một mình tôi mới biết hết hoàn cảnh của tôi. Chỉ một mình tôi mới đủ sức vực tôi dậy, tiếp tục con đường của mình và tin vào thành công.

Tôi đứng dậy, nghiến răng và bỗng mỉm cười. Tôi đột nhiên buồn cười vì nghĩ rằng cảnh vừa rồi có thể được dùng trong một bộ phim. Nếu tôi là đạo diễn, tôi sẽ cho một máy quay chạy vòng quanh cái cabin bằng kính ấy, chạy đến chóng mặt rồi chậm dần lại, chạy dần lên cao để thấy phố phường tấp nập xung quanh, thấy vô số những người qua đường nhìn vào cabin tò mò, rồi lại thản nhiên bước đi, nền âm thanh sẽ là tiếng còi xe ầm ĩ, tiếng cười nói, tiếng nhạc (từ phía đầu bên kia đường điện thoại) trào lên, ép vào màng nhĩ, làm tức cả lồng ngực. Rồi tất cả câm bặt. Một giây. Chỉ còn nghe tiếng một giọt nước mắt rơi xuống hè phố như một nốt nhạc lạc lõng… Tôi cười rằng tôi vừa đóng vai chính vừa làm đạo diễn, được xem cảnh ấy, được xem cả cảnh đầu bên này và đầu bên kia đường dây điện thoại. Còn các bạn tôi chỉ được biết có một nửa, những gì họ nhìn thấy và nghe thấy.

Tôi trở về quán, lòng nhẹ bẫng. Cảm ơn những giọt nước mắt của tôi.

(*) Nội dung tham khảo cuốn: Tôi và Paris- Câu chuyện một dòng sông. Tác giả: Hoàng Long.

Nguồn: kenh14

Tải app Úc Ơi / VietUcNews / Cộng Đồng Người Việt tại đây nha các bạn http://onelink.to/suwtvz