Vietucnews – Chuyến bay dài kỉ lục từ London đến Sydney của hãng hàng không quốc gia Úc sẽ mang đến cho hành khách cơ hội ngắm bình minh 2 lần ở 2 đầu thế giới!
Các chuyến bay đường dài không dừng là tương lai của hàng không và Qantas đang hy vọng sẽ thêm một tuyến bay phá vỡ kỉ lục thế giới vào danh sách này.
Chuyến bay nghiên cứu dài nhất thế giới từ London đến Sydney đã cất cánh từ sân bay Heathrow vào sáng 14/11. Trong hành trình dài 17.800 km không điểm dừng này, các nhà nghiên cứu sẽ kiểm tra tác động của các chuyến bay đường dài đối với những người trong buồng lái và cabin. Nếu mọi thứ đi đúng kế hoạch, họ sẽ có thể được ngắm bình minh 2 lần ở 2 đầu thế giới.
“Tôi không hề lo lắng chút nào mà hoàn toàn phấn khích về điều đó”, CEO Alan Joyce của hãng Qantas phát biểu tại London.
“Đó sẽ là khoảnh khắc đi vào lịch sử. Đây là chuyến bay vô tiền khoáng hậu của ngành hàng không, và tôi nghĩ lượng hành khách đi chuyến này là không hề nhỏ.”
Chuyến đi phá kỷ lục thế giới này sẽ diễn ra gần 100 năm sau chuyến bay đầu tiên từ Anh đến Úc, khởi hành từ London và hạ cánh tại Darwin 28 ngày sau đó.
Kể từ đó, công nghệ đã chứng kiến những bước tiến mới và chuyến bay ngày hôm nay dự kiến chỉ mất 19 giờ 30 phút.
Cơ trưởng Helen Trenerry sẽ nhận trọng trách điều khiển chuyến bay này.
“Thực ra thì chúng tôi cũng không chịu áp lực gì cả. Vẫn là một chuyến bay như chúng tôi vẫn thực hiện hàng ngày, chỉ là nó kéo dài hơn mà thôi,” bà cho biết.
“Quan trọng là chúng tôi muốn khẳng định chắc chắn khả năng tiến hành chuyến bay theo quy trình vận hành tiêu chuẩn, an toàn và hiệu quả.”
Cơ trưởng Trenerry có 35 năm kinh nghiệm, và bà tin rằng những chuyến bay đường dài như thế này sẽ sớm trở thành chuẩn mực của ngành hàng không.
“Chắc chắn là như thế. Một khi các nhà sản xuất Airbus và Boeing thành công trong việc chế tạo những chiếc máy bay đảm bảo cho các hành trình dài và các hãng hàng không quyết định đầu tư thì tôi nghĩ trong vài năm tới, những chuyến bay này sẽ trở nên phổ biến.”
50 hành khách và phi hành đoàn sẽ có mặt trên chuyến bay lịch sử này. Trong đó, 6 người bay thường xuyên sẽ đeo thiết bị để theo dõi sức khỏe và giấc ngủ của họ trong suốt hành trình.
Trung tâm Charles Perkins của Đại học Sydney sẽ thực hiện nghiên cứu xem xét xem việc chiếu sáng, đồ ăn và luyện tập sẽ giúp ích gì cho việc chống jet lag.
Ngay sau khi chuyến bay cất cánh từ London, nhóm nghiên cứu sẽ ngay lập tức chuyển sang giờ Sydney. Vì thế, bữa trưa và bữa tối sẽ được phục vụ theo giờ Sydney. Ánh sáng trong cabin cũng được điều chỉnh trùng với giờ ban ngày và ban đêm ở Sydney.
Thực đơn bao gồm các món ăn chứa nhiều gia vị và caffeine để giúp hành khách tỉnh táo trong thời gian ban ngày ở Sydney. Các món ăn chóng no và có vị kem được phục vụ vào thời gian ban đêm ở Sydney để hành khách dễ dàng chìm vào giấc ngủ.
Mặc dù đây một kỳ tích phi thường trong ngành hàng không nhưng vẫn còn những rào cản cần vượt qua trước khi chuyến bay thẳng không dừng từ London đến Sydney được chính thức đưa vào khai thác, bao gồm các quy định an toàn hạn chế thời gian bay của phi công.
Các phi công trên chuyến bay thử nghiệm sẽ được gắn camera Go-Pro để ghi lại chuyển động của họ để phân tích mức độ tỉnh táo và mệt mỏi.
Hãng hàng không quốc gia Úc cũng sẽ nghiên cứu chi phí vận hành chuyến bay và đưa ra quyết định về tính khả thi về mặt tài chính của nó vào cuối năm nay.
“Nếu khả thi thì các chuyến bay thương mại sẽ được đưa vào khai thác từ năm 2023 trở đi,” CEO Alan Joyce cho biết.
Được biết, chuyến bay thẳng đường dài như thế này sẽ có giá vé cao hơn 20-30%.
Nguồn: 9News
Tải app Úc Ơi / VietUcNews / Cộng Đồng Người Việt tại đây nha các bạn http://onelink.to/suwtvz