Mất tích bí ẩn ở Úc, cô gái Việt gặp lại gia đình sau 5 năm nhờ cuốn sách cũ

0
498

Vietucnews – Với thành tích học tập nổi trội, chị Huyền – con gái út của ông Lâm Văn Bảng (Nam Triều, Phú Xuyên, Hà Nội) sang Úc du học năm 1999. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì sau nửa năm, chị Huyền mất tích không rõ lí do.

Con gái út đột ngột mất tích

Ông Bảng (SN 1943) – Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày ở thôn Nam Quất, (Nam Triều, Phú Xuyên, Hà Nội) và vợ sinh được 3 người con. Ông đã từng trải qua những năm tháng khốc liệt ở chiến trường miền Nam nhưng chưa từng biết run sợ và rơi nước mắt.

Thế nhưng, ông đã phải sống trong những tháng ngày bế tắc, tuyệt vọng ở thời bình khi cô con gái út đột ngột mất tích.

Ông Bảng chia sẻ, cô con gái út – Lâm Thị Thanh Huyền (SN 1979) có thành tích học tập nổi trội. Sau khi học 1 năm tại đại học Giao thông Vận tải, chị Huyền nghỉ để thi vào đại học Quốc gia Hà Nội và đỗ đạt với số điểm cao.

Sau khi học tại đại học Quốc gia Hà Nội 2 năm, chị Huyền sang Úc du học năm 1999. Con gái đi du học là niềm vui của gia đình ông Bảng.

Căn nhà nơi chị Huyền từng sống trước khi đi du học nay trở thành Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày.

Trước ngày lên đường, người cha tặng cho con gái quyển sách ‘Gương nhân quả’ với lời tựa: ‘Chúc con gái Lâm Thị Thanh Huyền của bố thành công trên đường đời’, phía dưới ký tên: ‘Bang’ thay vì tên Bảng, kèm theo số điện thoại bàn của gia đình.

Với hành trang là cuốn sách kèm lời dặn dò của bố, chị Huyền sang Úc học hành chăm chỉ và thường xuyên gọi điện về nhà thăm hỏi gia đình. Ông Bảng luôn động viên con gái, chia sẻ những khó khăn nơi xứ người trong những cuộc điện thoại.

Cuộc gọi cuối cùng chị Huyền gọi về nhà với tâm trạng vui vẻ, chị kể về những người bạn mới quen.

Bẵng đi 1 tháng, 2 tháng, ông bặt tin con. Lo âu, ruột gan nóng như lửa đốt, ông cố liên lạc theo địa chỉ con gái gửi về nhưng không có hồi âm.

Nửa năm sau, ông Bảng nhận được cuộc điện thoại lạ, người gọi giới thiệu bằng tiếng Việt lơ lớ, nhiều từ không rõ. Người đó nói, con gái ông đã rời khỏi trường. Bạn bè của Huyền đã thu xếp đồ đạc, gửi về Việt Nam.

‘Gia đình tôi cho rằng con gái bỏ trốn ra ngoài tìm việc, kiếm tiền, đợi ổn định sẽ gọi về’, ông Bảng nói.

Ngày này qua tháng khác, ông và vợ thay phiên nhau túc trực bên máy điện thoại. Chỉ cần có tiếng chuông reo, tim họ lại đập liên hồi nhưng đặt máy xuống, nước mắt lại ùa về.

‘Bao đêm tôi thức trắng, suy nghĩ xem con ở nơi đâu? Tôi nhờ các mối quan hệ trong và ngoài nước dò la. Bất cứ ai có bạn bè, người thân học tập, sinh sống bên đó tôi đều gửi ảnh và tên tuổi con sang với niềm tin mãnh liệt, họ sẽ tìm được con cho mình’, cựu binh già bồi hồi kể.

Trùng phùng nhờ cuốn sách cũ

5 năm biến mất bên nước ngoài không một lý do, gia đình ông Lâm Văn Bảng không ngờ gặp lại con gái ở Cầu Giấy (Hà Nội), cách nhà chỉ vài chục km. Có điều, chị bị mất trí nhớ. Toàn bộ ký ức cũ về gia đình, bố mẹ hoàn toàn mất sạch.

Những ngày ở Hà Nội, chị Huyền làm đủ nghề mưu sinh. Ban đầu, chị rửa bát thuê cho các quán ăn, bán bánh mỳ rong, tối đến vào chùa xin tá túc. Một thời gian tích lũy được số vốn nhỏ, chị về phố Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) thuê nhà trọ sinh sống và theo chân một phụ nữ quê Thái Bình buôn bán sách cũ trên đường Láng.

Hai người sống nương tựa vào nhau nhưng vào một đêm, người phụ nữ đó bỏ đi, ôm theo toàn bộ số tiền tiết kiệm ít ỏi của chị Huyền. Chị Huyền thất vọng nhưng gạt nỗi buồn sang một bên, ngày ngày vẫn ra lề đường ngồi bán sách. Lúc rảnh rỗi, chị Huyền thường mang sách báo cũ ra đọc. Những kiến thức trong đầu dần dần quay về, chị ngấu nghiến đọc hết cả sạp sách cũ.

Ông Lâm Văn Bảng – Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày.

Như một cơ duyên, một lần, chị biết gia đình gần nơi mình ở có nhu cầu tuyển gia sư cho con. Chị mạnh dạn vào hỏi và đề nghị: ‘Cô chú cho cháu dạy thử vài buổi miễn phí. Nếu em học khá hơn trước, cô chú trả tiền cho cháu chưa muộn’.

Với khả năng của mình, chị Huyền dần lấy được thiện cảm của gia đình học trò. Học trò cũng tiến bộ thấy rõ. Cứ thế, người này giới thiệu người kia, chị Huyền bỗng chốc trở thành gia sư có uy tín. Ban ngày, chị Huyền cần mẫn đi bán hàng, tối đến lăn lộn với giáo án và các học trò nhỏ.

Cuộc sống nhọc nhằn nhưng chưa bao giờ chị quên ý niệm tìm lại gốc gác bản thân mình. Chị luôn đau đáu câu hỏi: ‘Tôi là ai? Tôi đến từ đâu? Bố mẹ tôi thế nào?’.

Cận Tết Nguyên đán 2005, mọi người trong xóm trọ về quê gần hết. Một đêm trằn trọc mãi không ngủ được, chị Huyền ngồi dậy lấy quyển sách trong tập sách cũ mới mua hồi chiều ra đọc. Quyển sách có tựa đề: ‘Gương nhân quả’.

Lần giở trang bìa, chị giật mình khi thấy trong đó có kẹp chứng minh thư mang tên: ‘Lâm Thị Thanh Huyền’ sinh năm 1979. Điều khó lý giải là cô gái trong ảnh có khuôn mặt giống chị như tạc.

Ngoài ra, trên quyển sách còn có dòng chữ cùng số điện thoại của người tên ‘Bang’. Tò mò, ám ảnh với những gì vừa phát hiện được, chiều hôm sau, chị Huyền đánh bạo gọi điện đến số điện thoại đó.

Người nhấc máy phía đầu dây là bà Nguyễn Thị Lan – vợ ông Bảng. Nghe cô gái nào đó hỏi thăm người tên Bang, bà cho biết, không có ai tên như vậy và dập máy.

Không nản lòng, chị Huyền tiếp tục gọi cuộc tiếp theo. Do nhà đang có khách mà phải chạy đi chạy lại nghe máy, bà Lan bắt đầu bực dọc.

Đến lần thứ 3, như có linh tính, ông Bảng chạy đến, ra hiệu vợ đưa máy cho mình. Cô gái rụt rè nói: ‘Con bị thất lạc gia đình, con muốn hỏi đây có phải nhà bác Bang không ạ? Nhà mình có ai tên Huyền không bác?’.

Nghe tiếng quen thuộc, một cảm giác tê dại chạy dọc sống lưng ông Bảng. ‘Huyền phải không con? Bố đây, bố là Bảng không phải Bang. Con đang ở đâu, bố đến đón’, ông Bảng không ngần ngại đáp lại.

Đêm hôm đó, theo địa chỉ chị Huyền cung cấp, ông Bảng cùng cô con gái cả bắt taxi lên Hà Nội. Trước khi đi, ông mang theo quyển album ảnh kỷ niệm của gia đình.

Giây phút trùng phùng, chị Huyền không nhận ra bố đẻ, vẫn xưng hô ‘bác, cháu’ đầy xa cách. Còn ông Bảng như vỡ òa vì hạnh phúc. Trước mắt ông lúc này là cô con gái út bằng xương, bằng thịt mà ông mong mỏi bao năm tháng qua. Mãi một lúc, ông mới có thể cất lời.

Khi được ông Bảng đưa quyển album gia đình, kể lại những mốc thời gian chụp ảnh cùng các câu chuyện gia đình, chị Huyền mới can đảm theo ông về Phú Xuyên. Từ đây, những bí ẩn về sự mất tích kỳ lạ và quãng thời gian lưu lạc của chị dần được hé mở.

(Còn nữa)

Nguồn: vietnamnet