Mỹ – Úc chạy đua “kìm” Trung Quốc

0
187

Vietucnews – Bắc Kinh lâu nay khẳng định không tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương mà chỉ muốn giúp đỡ khu vực phát triển kinh tế. Úc và Mỹ đang gia tăng nỗ lực ngăn Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại những khu vực được xem là quan trọng với lợi ích của họ.

Mỹ chi ngân sách lên đến 468 triệu đô cho các hoạt động tại Thái Bình Dương

Theo hãng tin PTI, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đề nghị quốc hội cấp ngân sách 30 triệu USD cho sáng kiến an ninh “Vịnh Bengal” giữa lúc Bắc Kinh tìm cách củng cố ảnh hưởng tại Nam Á.

Bà Alice G. Wells, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách về các vấn đề Nam Á và Trung Á, hôm 12-6 cho biết khoản tiền trên sẽ được dùng để phát triển năng lực hàng hải và an ninh biên giới của 3 nước Sri Lanka, Bangladesh và Maldives.

Úc – Mỹ hai đồng minh thân cận nhiều năm. (ảnh: Người Lao động)

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ còn đề nghị khoản tiền 64 triệu USD cho các hoạt động nhằm giúp cải thiện hạ tầng và kết nối tại khu vực này. Tính chung, Bộ Ngoại giao Mỹ đang yêu cầu khoản ngân sách 468 triệu USD cho Nam Á trong tài khóa 2020, tức nhiều hơn gấp đôi yêu cầu của tài khóa 2019.

Với Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á (ARIA), theo bà Wells, chính quyền ông Trump đã phát đi tín hiệu đến khu vực rằng Mỹ cam kết thúc đẩy thịnh vượng chung tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, cũng như bảo đảm một trật tự dựa trên luật lệ, tự do đi lại, giải quyết hòa bình các tranh chấp…

Chưa hết, quan chức này nhấn mạnh Washington sẽ không chấp nhận để các quốc gia đối tác lâm vào cảnh nợ nần thông qua các dự án hạ tầng không bền vững – một phát biểu được cho là nhằm vào sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Chính phủ Úc thành lập quỹ 2.07 tỉ USD tài trợ cho các nước ở Thái Bình Dương

Trong khi đó, chính phủ Úc sẽ sớm dành hàng chục triệu USD để tài trợ các dự án hạ tầng ở Thái Bình Dương trong nỗ lực ngăn Trung Quốc tăng cường vai trò tại khu vực này. Thủ tướng Úc Scott Morrison vào tháng 11-2018 thông báo lập một quỹ trị giá đến 2,07 tỉ USD để cung cấp các khoản vay ưu đãi và tài trợ cho các nước ở Thái Bình Dương nhằm củng cố vị thế trước thách thức từ Bắc Kinh.

Hãng tin Reuters hôm 13-6 dẫn 2 nguồn tin giấu tên cho biết quỹ này dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 31-7 tới và Canberra dự định nhanh chóng phê chuẩn một số dự án để chứng tỏ cam kết của mình.

Quỹ nói trên trước mắt tập trung cho các dự án viễn thông, năng lượng, giao thông vận tải và nước. Đến tháng 8, ông Morrison sẽ đến đảo quốc Tuvalu để dự Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương.

Thủ tướng Scott Morrison trong chuyến thăm Solomon. (ảnh: Người Lao động)

Hôm 2-6, nhà lãnh đạo này cũng là thủ tướng Úc đầu tiên thăm quần đảo Solomon kể từ năm 2008. Tại đây, ông Morrison cam kết sẽ dành 250 triệu USD để tài trợ các dự án khẩn cấp của nước chủ nhà.

Úc lâu nay là quốc gia có ảnh hưởng bao trùm ở Thái Bình Dương nhưng vị thế này bị đe dọa bởi Trung Quốc trong những năm gần đây. Bắc Kinh đã tăng cường viện trợ cho các đảo quốc có dân số thưa thớt nhưng lại đang kiểm soát vùng biển nhiều tài nguyên. Theo Reuters, Trung Quốc đã trở thành nhà tài trợ lớn thứ nhì cho khu vực này (sau Úc) với các khoản cho vay ưu đãi và viện trợ trị giá 1,3 tỉ USD tính từ năm 2011.

Dù vậy, Bắc Kinh lâu nay khẳng định không tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương mà chỉ muốn giúp đỡ khu vực phát triển kinh tế. Thông điệp này tiếp tục được Trung Quốc đưa ra nhân chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Vanuatu Charlot Salwai cuối tháng rồi. Cả hai nước này vào năm ngoái đều lên tiếng bác bỏ thông tin Bắc Kinh muốn hiện diện quân sự lâu dài tại Vanuatu.

Nguồn: Người Lao động