Vietucnews – Một người đàn ông khoảng 40 tuổi đã bị chẩn đoán mắc bệnh sởi sau khi đáp chuyến bay quốc tế đến Sydney và tiếp tục đi tàu đến vùng tây nam thành phố. Cơ quan chức năng đã cảnh báo các hành khách đồng hành với người này trong hai chuyến đi phải kiểm tra để đề phòng nguy cơ bị lây nhiễm.
Ngày 28/5, chuyến bay số hiệu CX139 của Cathay Pacific đã đưa người đàn ông nhiễm bệnh từ Bangladesh về Úc. Máy bay hạ cánh tại nhà ga T1 thuộc Sân bay Quốc tế Sydney lúc 7:40 tối.
Sau đó, anh ta đón chuyến tàu tuyến Macarthur bên ngoài sân bay lúc 9:11 và đến Leumeah lúc 9:58 tối cùng ngày.
Bộ Y tế NSW đã cảnh báo tất cả hành khách trên cả hai phương tiện này và nhân viên sân bay (bao gồm bộ phận hành lý, hải quan và sảnh đến) có mặt trong khoảng 7:40 đến 9:30 tối phải cảnh giác với những dấu hiệu của bệnh sởi từ đây cho đến hết ngày 20/6.
Sau khi bị lây nhiễm do tiếp xúc với người mang mầm bệnh, bệnh nhân có thể mất đến 18 ngày mới thấy triệu chứng xuất hiện.
Cơ quan y tế cộng đồng tại khu vực đã liên hệ với những cơ sở khám chữa bệnh mà người đàn ông này ghé qua để tìm hiểu thêm về các trường hợp mắc bệnh sởi khác.
Tính đến nay, tổng số ca bệnh sởi được phát hiện ở NSW đã lên đến con số 36, trong đó có 8 trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi.
Giám đốc Khoa Bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế NSW, Tiến sĩ Vicky Sheppeard, cho biết những địa điểm mà người đàn ông đi qua chưa phát hiện nguy cơ bùng phát dịch sởi cao.
“Các triệu chứng nổi bật của bệnh sởi là sốt, cộm mắt và ho. Đến 3 – 4 ngày sau, làn da sẽ xuất hiện các nốt ban đỏ, lan từ phần đầu ra toàn bộ cơ thể,” bà nói.
“Nếu bạn nghi ngờ mình mắc bệnh, hãy hẹn gặp bác sĩ càng nhanh càng tốt để tránh phải chờ đợi lâu do có nhiều người đến khám trước.”
Hiện tại, vẫn chưa thể xác định liệu người đàn ông này có được tiêm phòng sởi đầy đủ hay không.
Người dân có năm sinh từ 1966 trở đi sẽ được tiêm hai liều vaccine phòng chống sởi – quai bị – rubella hoàn toàn miễn phí.
“Nếu bạn không nhớ rõ mình đã tiêm đủ hai mũi chưa thì cứ đi thêm lần nữa cho đảm bảo,” bà Sheppeard đề nghị.
Bệnh sởi lây lan rất nhanh qua đường hô hấp. Nếu bệnh nhân ho hoặc hắt hơi, virus trong khoang mũi và cổ họng sẽ thoát ra và truyền vào cơ thể người khác khi họ hít thở.
Người dân đã tiêm ngừa đủ hai mũi phòng sởi sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh hơn, song Bộ Y tế NSW vẫn khuyến cáo những ai có tiếp xúc với bệnh nhân nên chú ý đến cơ thể nhằm kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường.
Nếu nhận thấy triệu chứng bệnh bắt đầu phát triển, họ nên hạn chế tiếp xúc với người khác và đến gặp bác sĩ ngay. Tuy nhiên, thông thường hai liều vaccine phòng sởi sẽ giúp 99/100 người dân không phải lo lắng về nguy cơ mắc bệnh trong suốt quãng đời còn lại.
Hiện nay, tỷ lệ trẻ em từ 5 tuổi được tiêm phòng bệnh sởi ở NSW đã lên đến hơn 95%.
Nguồn: SMH