Triều Tiên tiết lộ lý do bắt sinh viên Úc Alek Sigley

0
323

Vietucnews – Triều Tiên cho rằng sinh viên Úc – Alek Sigley đã thu thập và chuyển giao cho truyền thông nước ngoài những thông tin chống Bình Nhưỡng.

Alek Sigley Bị bắt vì hoạt động gián điệp tại triều Tiên

“Dưới sự xúi bẩy của hãng tin NK News và các cơ quan truyền thông chống Triều Tiên khác, Alek Sigley đã nhiều lần chuyển giao những thông tin thu thập được trong quá trình sục sạo ở Bình Nhưỡng với tư cách là một sinh viên nước ngoài”, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm nay cho biết.

Theo KCNA, Sigley bị bắt từ ngày 25/6 vì thực hiện hoạt động tuyên truyền chống Triều Tiên trên mạng. Anh này được cho là đã thừa nhận việc thực hiện hành động gián điệp chống lại Triều Tiên và nhiều lần xin tha thứ.

Alek Sigley hiện đang học thạc sĩ tại Triều Tiên. (ảnh: Vnexpress)

Chính phủ Triều Tiên đã thể hiện tinh thần nhân đạo và trục xuất anh ta khỏi lãnh thổ vào ngày 4/7″, KCNA cho biết.

Chad O’Carroll, giám đốc của NK News, hôm nay ra tuyên bố cho biết trang này đã đăng 6 bài viết của Sigley từ tháng 1 đến tháng 4, nhưng khẳng định những thông tin này chỉ là quan điểm chuyên sâu về cuộc sống ở Bình Nhưỡng, không mang tính chính trị. “Chúng tôi bác bỏ cáo buộc sai lầm rằng những bài viết này là hành vi chống lại nhà nước Triều Tiên”, O’Carroll nói.

Alek Sigley không phải sinh viên nước ngoài đầu tiên bị Triều Tiên bắt giữ

Trước khi bị bắt, Sigley đang theo học thạc sĩ tại Đại học Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng, có thể nói thông thạo tiếng Triều Tiên và điều hành công ty du lịch Tongil Tours chuyên về du lịch kết hợp giáo dục tới Triều Tiên. Sau khi nhận được tin Sigley “mất tích” ở Bình Nhưỡng, Úc đã nhờ Thụy Điển, nước có đại sứ quán ở thủ đô Triều Tiên, hỗ trợ.

Alek Sigley tươi cười khi trở lại Nhật Bản. (ảnh: Vnexpress)

Phái viên Thụy Điển Kent Harstedt đã được cử đến Bình Nhưỡng để thuyết phục Triều Tiên thả tự do cho Sigley. Sau khi rời Triều Tiên, anh này đã tới đại sứ quán Úc tại Bắc Kinh, Trung Quốc, sau đó bay về Tokyo, Nhật Bản để đoàn tụ cùng vợ.

Đây không phải lần đầu tiên Triều Tiên bắt một sinh viên nước ngoài. Năm 2016, sinh viên người Mỹ Otto Warmbier bị tòa án Triều Tiên tuyên 15 năm lao động khổ sai với cáo buộc “chống phá nhà nước”. 17 tháng sau, Warmbier được trả về Mỹ và qua đời không lâu sau đó.

Cái chết của Warmbier khiến mối quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng rơi vào căng thẳng trong một thời gian dài, thậm chí hai bên còn tung ra những lời đe dọa chiến tranh nhằm vào nhau. Quan hệ hai nước chỉ được cải thiện sau các cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong hai năm qua.

Nguồn Vnexpress