Vietucnews – Trong bảng đánh giá hiệu suất ứng phó với biến đổi khí hậu (CCPI), Úc phải ngậm ngùi nhận điểm số 0/100 cho tiêu chí chính sách.
Đáp lại lời chỉ trích “bỏ quên” môi trường, Bộ trưởng Nông nghiệp Bridget McKenzie khẳng định chính phủ Úc vẫn đang tích cực hành động để ngăn chặn biến đổi khí hậu, dù phương pháp có thể không phù hợp với kỳ vọng của số đông.
CCPI là viết tắt của Climate Change Performance Index, hệ thống đánh giá hiệu suất đối phó với biến đổi khí hậu của các quốc gia dựa trên 4 tiêu chí: giảm phát thải, tái tạo năng lượng, sử dụng năng lượng và vận dụng chính sách. Các tiêu chí này được khảo nghiệm bởi các chuyên gia đến từ Đức và Liên minh Hành động vì Khí hậu Quốc tế.
Dựa trên kết quả tổng thể, Úc đã tụt xuống hạng 56 trên toàn thế giới. Trong đó, hai hạng mục nhận được đánh giá “hiệu suất thấp” là giảm phát thải và tái tạo năng lượng. Nghiêm trọng hơn, ở tiêu chí sử dụng năng lượng và chính sách, xứ sở chuột túi còn bị đánh giá “hiệu suất rất thấp”. Kết quả được công bố giữa lúc Úc đang vướng nghi án ngụy tạo số liệu bằng thủ thuật kế toán để đáp ứng các chỉ tiêu do cơ quan đánh giá đề ra.
Contents
Biện pháp cứng rắn
McKenzie hiện đang nắm trong tay nền nông nghiệp tạo nên 15% lượng khí thải carbon của Úc. Tuy nhiên, bà vẫn tỏ ra lạc quan khi áp dụng chuẩn hệ thống đo lường khí thải xuất phát từ Nghị định thư Kyoto để đánh giá tình hình ở Úc. Gần đây, Úc đang gây tranh cãi trên trường quốc tế khi nâng hạn ngạch khí phát thải cho phép vượt quá mức được quy định ban đầu trong Nghị định thư Kyoto năm 1997.
“Chính phủ đang hành động quyết liệt,” McKenzie nói. “Mọi người có thể không ủng hộ phương pháp này, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi chỉ biết khoanh tay đứng nhìn.” Phát biểu của bà được truyền thông đưa tin giữa lúc nội bộ chính quyền bang NSW đang chia năm xẻ bảy vì vấn đề biến đổi khí hậu.
Bất đồng ý kiến
Bộ trưởng Môi trường NSW Matt Kean nhận định đã đến lúc Úc nghiêm túc xem xét biến đổi khí hậu dưới góc nhìn khoa học, trong bối cảnh nạn cháy rừng khủng khiếp đang hủy hoại khu vực này.
Kean vẫn giữ vững lập trường khi cho rằng nạn cháy rừng ở NSW liên quan mật thiết đến biến đổi khí hậu. Trước đó không lâu, Bộ trưởng Giáo dục Sarah Mitchell từng phát biểu rằng cuộc tranh cãi không hồi kết xoay quanh nguyên nhân bùng phát đám cháy mang nặng tính triết lý.
“Đã đến lúc ngưng vịn vào tôn giáo hay tâm linh để giải thích chuyện này. Khoa học cho biết chúng ta cần khống chế sự nóng lên toàn cầu trong mức 2ºC. Để làm được như thế, ta buộc phải đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2050,” Kean nói. “Đây không phải là trận chiến giữa các triết gia, cái chúng ta cần là những nhà khoa học.”
Taylor hành động
Trong một hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Năng lượng Angus Taylor kêu gọi các nước khác cùng nỗ lực giảm lượng khí thải carbon, đồng thời nghĩ cách bảo vệ tính hợp pháp của thị trường giao dịch carbon toàn cầu, vốn bị đánh giá là hỗn loạn do tham nhũng.
“Ở đây, chúng ta cần thúc đẩy việc hoàn thiện các điều khoản cần thiết cho Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Điều đó sẽ giúp chúng ta yên tâm rằng việc mua bán các đơn vị carbon đều nhằm phục vụ cho mục đích giảm phát thải chính đáng,” Taylor nói. Ông cũng nhấn mạnh Úc vẫn tiếp tục ký kết Thỏa thuận Paris, cũng như ủng hộ làn sóng đầu tư năng lượng sạch.
Ông hiểu rõ biến đổi khí hậu không thể bị hạ gục bởi vài câu khẩu hiệu hùng hồn hay mục tiêu trọng đại. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh COP25, Taylor tuyên bố: “Cả thế giới đang hành động để giảm thiểu lượng khí thải. Trong bối cảnh đó, Úc tin rằng công nghệ chính là chìa khóa dẫn đến thành công.”
Chỉ trích từ các quốc gia thuộc khu vực Thái Bình Dương
Enele Sopoaga, Cựu thủ tướng Tuvalu, nhắc về Úc bằng giọng điệu khá gay gắt: “Đối với nhóm người ‘đứng mũi chịu sào’ trong tình thế biến đổi khí hậu như cư dân quần đảo Thái Bình Dương, những người sắp mất sạch nhà cửa, một hành động quyết đoán có giá trị hơn nhiều so với vô vàn lời nói sáo rỗng.”
“Biến đổi khí hậu là mối đe dọa hàng đầu với các quốc gia thuộc quần đảo Thái Bình Dương. Với hành động né tránh như thế, Thủ tướng Úc Scott Morrison không có quyền gọi họ là ‘gia đình’,” ông tiếp tục.
Thể theo Thỏa thuận Paris, Úc đã cam kết đến năm 2030, nước này sẽ giảm 26% lượng khí thải xuống dưới mức được ghi nhận vào năm 2005. Song, các chuyên gia đã dự đoán mục tiêu này có thể hoàn thành hơn một nửa trên cơ sở mà Úc đã dựng nên lúc tham gia Nghị định thư Kyoto.
Nguồn: 7News
Tải app Úc Ơi / VietUcNews / Cộng Đồng Người Việt tại đây nha các bạn http://onelink.to/suwtvz
- Luật cháy rừng mới: Phạt $11,000 nếu vứt thuốc lá ra ngoài cửa sổ xe hơi
- Sydney: Cây thông Noel dựng lên từ tàn dư của cháy rừng
- Dự báo thời tiết: Thành phố nào ở Úc có Giáng sinh mát mẻ nhất?