Vietucnews – Về vụ việc gian lận điểm thi gây rúng động tại Việt Nam, hầu hết các ý kiến đều cho rằng các cán bộ, lãnh đạo địa phương ‘mua’ điểm cho con dù bằng cách này hay cách khác đều phải xử lý nghiêm.
Contents
Phải làm rõ tại sao con phó giám đốc, lãnh đạo phòng ban đơn vị lại được nâng điểm
TS Trần Thất, nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp cho rằng, trong vụ gian lận thi cử tại các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang vừa qua còn nhiều vấn đề phải làm sáng tỏ: “Cơ quan tố tụng phải làm rõ tại sao những trường hợp con phó giám đốc, lãnh đạo phòng ban đơn vị lại được nâng điểm. Họ có liên quan gì đến vụ gian lận này?”, TS Trần Thất nói.
Dẫn ví dụ con của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang (1 trong 114 thí sinh được nâng điểm tại tỉnh Hà Giang – PV), ông Thất cho rằng, vì quyền lực của bí thư tỉnh ủy rất lớn nên trong trường hợp này, khó có thể đặt vấn đề cấp dưới nhận tiền để nâng điểm. Nhưng nếu đặt vấn đề cấp dưới muốn nịnh, muốn lấy lòng cấp trên thì rõ ràng họ cũng sẽ tìm cách để cấp trên biết về “tấm lòng” đó. Ông Thất cho rằng, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể làm được.
Còn Ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho rằng: “Dù bằng cách nào thì vẫn sai vì đây là việc làm gian dối. Mà gian dối thì đối với một công dân bình thường đã không thể chấp nhận, huống hồ là cán bộ, đảng viên. Vì vậy, cần phải kiểm điểm, xử lý nghiêm, tùy theo mức độ vi phạm”.
“Không ai tự dưng bật máy tính lên, sửa điểm cho người khác để sau đó ngồi tù”
Còn nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng phân tích: “Không ai tự dưng bật máy tính lên, sửa điểm cho người khác để sau đó ngồi tù. Rõ ràng họ làm do được ai đó tác động – có thể là bởi quyền lực hoặc mua bán. Điều này chưa kết luận được nhưng họ không tự nhiên làm việc đó.
Người nào sử dụng quyền lực để ép người khác sửa điểm thì người đó phạm tội tham nhũng vì đã lợi dụng quyền lực công để tác động có lợi cho cá nhân. Người nào mua điểm thì hoàn toàn có chứng cứ để xử lý bằng pháp luật”.
“Không ai tự nhiên đi nâng điểm cho con cháu người khác”, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội khẳng định.
Hướng xử lý ra sao?
Đề cập hướng xử lý, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng: “Những người này nắm giữ các chức vụ mang tính chất quyền lực công nên cần phải có uy tín xã hội, phải có được niềm tin của xã hội. Khi không còn sự tín nhiệm của xã hội thì họ không còn căn cứ để đảm nhiệm chức vụ đó nữa. Khi đó, những người này bao giờ cũng sẽ từ chức”.
Còn Ông Vũ Quốc Hùng nói: “Các cơ quan ủy ban kiểm tra các cấp phải vào cuộc. Không chỉ ủy ban kiểm tra cấp ủy nơi xảy ra sai phạm mà ủy ban kiểm tra của cấp ủy cấp trên cũng phải quan tâm để xem xét làm rõ trách nhiệm; tránh tình trạng nể nang, ngại va chạm hay che giấu”.
Ông Lê Hữu Thể – nguyên Phó viện trưởng Viện KSND tối cao cho hay: “Ai có lỗi thì người đó chịu; lỗi đến đâu chịu đến đó; không đánh đồng được nhưng cũng không để lọt người, lọt tội”.
Theo Thanh Niên