Vietucnews – Chỉ vì tham vài trăm ngàn đô la kiếm được một cách dễ dàng, mà nhiều người trẻ đã phí hoài tuổi xuân sau song sắt nhà tù. Từ du học sinh, di dân đến cả những người sinh ra tại Úc, tất cả đều vướng vào vòng lao lý vì trồng cần sa, buôn lậu ma tuý hoặc vũ khí. Và đây là câu chuyện của họ.
P. là một chàng trai gốc Việt trạc 30 tuổi, bị cảnh sát bắt vào cuối tháng 1/2019 trong một trận bố ráp nhà trồng cần sa. Anh bị nhốt một vài tuần trong một trại giam ở phía đông Melbourne, và sau đó được cho tại ngoại để chờ hầu toà vào tháng 4/2019.
P. tâm sự rằng anh không ngờ “có ngày mình phải vào tù”. Anh nói: “Đang sống tự do tự dưng bị nhốt vào tù. Mình suy nghĩ rất nhiều. Cái mất nhiều nhất ở đây, ngoài tinh thần thì mình đã bị dính đến số tù CRN. Nó sẽ dính với mình suốt cuộc đời, mình sẽ không bao giờ xoá được số đó.”
Nhiều người Việt bị dụ dỗ mà vướng vào vòng lao lý
Bên cạnh đó, P. kể rằng khi vào tù, anh nhận thấy có rất nhiều người Việt bị dụ dỗ mà vướng vào vòng lao lý, đa phần là vì hoàn cảnh gia đình.
“Có một người em trong trại tù X., người Hà Tĩnh, mới sang đây từ tháng 10 năm ngoái. Gia đình phải cắm sổ đỏ, cắm đất hết 700 triệu. Mà sang đây du lịch chứ không phải du học. Xong rồi sang đây nghe lời bạn bè dụ dỗ thì mới đi trồng cần sa.
“Thế là buổi sáng bị cảnh sát ập vào bắt. Gia đình ở Việt Nam ôm một đống nợ, còn bên này thì đi vào tù. Nó buồn quá, bảo là sang đây để đi làm giúp đỡ gia đình, trả nợ chưa xong mà bây giờ chỉ vì thế này mà bị bắt. Không có gia đình bên này, không có ai nương tựa.”
Bản thân P. biết rất nhiều người từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Hải Phòng, và Quảng Bình làm nghề trồng cần sa tại Úc, và anh kể lại cách thức những người này bị dụ dỗ như sau.
“Đây là cách người ta dụ dỗ. Ở làng người ta, nhà người ta xây rất to, rất đẹp rồi bảo, ‘Bác cho con bác đi đi, sang đấy có cháu giúp đỡ cho, làm một năm dư sức trả nợ có tiền rồi’.”
Ngay cả tại Úc, P. cho biết những người đứng đầu băng nhóm trồng cần sa thường ít khi lộ mặt, mà thường giao cho nhân viên làm tất cả mọi việc.
“Người ta bỏ số tiền để mua vật tư, rồi thuê người khác set up cho người làm, xong thuê người khác hướng dẫn người làm, xong người làm đó làm được bao nhiêu thì đưa hết tiền về rồi chia đôi,” anh nói.
“Thành ra những người chủ bên này bình chân như vại, người ta mượn những du học sinh làm cho họ để làm giàu cho họ. Những người chủ nào có tâm thì sau đó chẳng may mà nhân viên của mình bị bắt, thì người ta còn có thể giúp đỡ thuê luật sư. Còn những người nào người ta không có tâm, người ta không quan tâm luôn.”
Ngoài ra, còn một cách khác để những người chủ kiếm nhân viên làm việc cho mình, đó là thông qua lời giới thiệu của bạn bè.
“Người chủ nhiều khi hỏi, ‘Tao có một cái nhà này rất ngon, rất dễ làm mà an toàn lắm, mày có bạn bè nào không giới thiệu cho tao’. Sau đó tìm những người du học sinh đang làm lương $11-12 rồi lân la quán cà phê, hỏi han, xong người ta mới bước vào con đường này.”
Theo tìm hiểu của P. thì một nhà trồng cần sa thường mất 6 tuần để thu hoạch, lợi nhuận từ $30-50,000, chủ tớ chia đôi, mà nhân viên thường chỉ mất 1-2 ngày/tuần, mỗi lần 1-2 tiếng để chăm sóc cho cây, nên một người có thể làm nhiều nhà cùng lúc.
Mỗi nhân viên phải làm cho chủ ít nhất 6 vụ trong khoảng 1 năm, sau đó thì họ có thể đứng ra làm riêng hoặc bỏ nghề. Tuy nhiên, nếu bị bắt thì nhân viên không được phép khai ra chủ là ai, nếu không thì sẽ bị trả thù hoặc bị tấn công trong tù.
Hối hận thì đã muộn
“Cuộc sống tù túng, không được tự do. Tinh thần thì mọi người ai cũng lo sợ là liệu mình sẽ ở trong tù bao nhiêu lâu, liệu phiên toà sắp tới mình sẽ bị như thế nào.” Đó là cảm nhận của P. sau vài tuần ở trong trại giam.
Trong tù, một ngày của P. bắt đầu vào lúc 7 rưỡi sáng. Người quản giáo đến mở cửa từng phòng một để đánh thức tù nhân, và kiểm tra xem có ai tự tử không. Sau đó anh ăn sáng, đi học, chơi thể thao, thời gian rảnh thì trò chuyện với những tù nhân khác.
P. gặp rất nhiều tù nhân người Việt, cả người Úc gốc Việt lẫn di dân từ Việt Nam sang.
“Người Việt mình làm trắng rất nhiều. Heroine, cocaine, rồi methamphetamine, rồi buôn vũ khí, buôn súng rất nhiều. Và những tội đó thì tính bằng năm chứ không tính bằng tháng,” anh nói.
“Thường những người làm cần sa là dân overseas student, hoặc người từ Việt Nam sang đây định cư, chứ không phải đẻ ở đây. Còn người local Việt Nam thế hệ tiếp theo mà đẻ ở đây thì buôn trắng, buôn đá rất nhiều, và buôn vũ khí luôn.”
Một trong những người mà P. làm quen trong tù là một anh người Hải Phòng, đã sang Úc được 9 năm theo diện kết hôn giả, và trước đó thì đi làm hãng.
“Anh ấy tình cờ gặp được một người, người ta dụ dỗ, bơm vào đầu anh ấy rằng, ‘Mày chỉ cần làm 6 tháng, 1 năm rồi mày sẽ có rất nhiều tiền’. Thế là anh ấy mới bảo là đang đi làm hãng, kiếm có $3,500-4,000/tháng. Trong khi nhà thì không biết bao giờ mới mua được. Bây giờ anh ấy cũng có tuổi rồi, sợ không biết bao giờ mới mua được nhà để sinh sống. Anh ấy mới tặc lưỡi làm 6 tháng, 1 năm để có tiền mua nhà.
Lúc bị bắt, anh ấy hoảng quá, tiếng Anh thì không nói được. Anh ấy quỳ xuống chắp tay lạy cảnh sát để thả anh ấy. Anh ấy sợ là sẽ bị đuổi về Việt Nam bởi vì làm số lượng rất lớn. Mà về Việt Nam thì chắc là không còn gì để sống nữa, trong khi gia đình ở Việt Nam còn khó khăn. Anh ấy còn bố mẹ già, rồi còn các em nữa, mà anh ấy về Việt Nam là coi như xong.”
Không chỉ riêng trường hợp này, mà còn nhiều người khác khi nói chuyện với P. đều tỏ ra hối hận vì những việc mình đã làm, nhưng lúc đó thì đã quá muộn rồi.
“Khi anh cầm số tiền lớn thì anh đâu hối hận, nhưng khi bị bắt anh mới hối hận thì đã quá muộn rồi,” anh nói.
“Trong đó mình gặp những hoàn cảnh như vậy. Ở bên đất nước khó khăn quá, khổ quá, xong mới đi làm. Ai cũng nói là làm một vụ để kiếm được số tiền như vậy, nhưng đến khi bị bắt rồi thì màu hồng biến thành màu đen mất rồi.”
*Nhân vật và địa danh trong bài viết đã được đổi tên để bảo vệ danh tính.
Nguồn: Đăng Trình
- Sydney: Trồng cần sa trái phép tại nhà trị giá đến 3 triệu đô, hai người bị bắt giữ
- Sydney: Bắt giữ nhóm tội phạm trồng cần sa trái phép trị giá lên đến $6.2 triệu
- Năm 2019: Hoa Kỳ sẽ hợp pháp hóa cần sa