Vietucnews – Để có tiền cho con gái sang Úc du học, gia đình Xiao Xiao (thành phố Tế Nam – Trung Quốc) đã phải bán đi ngôi nhà nhỏ trị giá 700.000 nhân dân tệ bên hồ Daming. Tuy nhiên, cô gái đã vỡ mộng khi trở về nước với mức lương không đủ ăn.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Xiao Xiao sang Úc du học. Nhưng do kết quả học tập không xuất sắc, Xiao Xiao không vào được trường danh tiếng. Cô chọn học về truyền thông tại một trường cao đẳng. Sau khi ra trường, Xiao Xiao học tiếp thạc sĩ tại Đại học công nghệ Queensland. Thế nhưng, sau khi về nước, mức lương cô nhận được chênh lệch quá lớn so với những gì gia đình cô đánh đổi.
Tiền lương không đủ ăn
Trong 5 năm ở nước ngoài, học phí và chi phí sinh hoạt của Xiao Xiao tốn khoảng 2 triệu nhân dân tệ (gần 6,7 tỷ đồng). Mặc dù đây không phải con số quá lớn nhưng nó chênh lệch quá nhiều so với mức lương cô nhận khi về nước. Hiện cô đã nghỉ việc và tiếp tục đi học lên cao để chuẩn bị xin được việc tốt hơn.
Tất cả khác xa với những gì Xiao Xiao nghĩ ban đầu. Trong tưởng tượng của cô, khi trở về, cô sẽ là một nhà báo hàng đầu của một trang tin tức, viết nên những chương mới trong lịch sử báo chí, như niềm tin cô có khi lựa chọn nghề truyền thông.
Thực tế, dù ứng tuyển thành công vào một số đơn vị truyền thông, nhưng ở chỗ thứ nhất, cô làm việc chỉ hơn một tháng rồi xin nghỉ. Tại nơi thứ hai, cô thậm chí còn chưa được lĩnh lương. Mức lương sau khi du học về của cô là chưa đầy 2.000 nhân dân tệ (gần 6,8 triệu đồng).
“Chính xác lương cơ bản của tôi được có 1.300 nhân dân tệ (hơn 4,4 triệu đồng)”, Xiaoxiao nói trong nỗi chán chường. Số tiền này không đủ cho cô ăn uống.
Cô cũng chia sẻ: “Điều tôi không thể chịu nổi không phải là lương mà là bản thân công việc. Bởi lương có thể tăng về sau nhưng công việc thì không thấy tương lai. Ngày ngày, tôi ra ngoài với tiền bối để phỏng vấn những người vô vị và tôi không thể sử dụng những gì mình đã học.
Mẹ nói sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, tôi có thể vào một trường nào đó và đi dạy…Thực sự tôi vẫn muốn làm phóng viên và bước vào ngành truyền thông”, Xiao Xiao nói.
Bán căn nhà 700.000 nhân dân tệ để du học
Bố Xiao là viên chức bình thường, mẹ cô là giáo viên trung học, để có tiền cho con gái sang Úc du học, gia đình cô đã bán đi căn nhà nhỏ.
Ngôi nhà bố mẹ Xiao bán năm 2012 để con đi du học có giá 700.000 nhân dân tệ, và nay giá của nó đã tăng vài lần. Tuy nhiên, Xiao Xiao cho biết, cô không hối tiếc vì đã đi du học: “Đầu tư vào việc đi du học không phải thứ có thể đo đếm bằng tiền. Nó thực sự đã mở rộng tư duy, giúp tôi học được nhiều kiến thức, gặp được nhiều giáo viên, bạn tốt. Kiến thức là vô giá”.
Thế nhưng, dù không tiếc khoảng thời gian ở nước ngoài, cô không thể hài lòng với tình trạng của mình khi quay về Trung Quốc. Thỉnh thoảng, bố mẹ vẫn khiến cô cảm thấy như mình có lỗi: “Mẹ tôi nói đùa vài lần rằng tôi không biết mình đã dùng số tiền bà phải dành dụm cả đời. Tôi rất buồn và đã vài lần cãi nhau với mẹ. Về sau, tôi chuyển ra ngoài ở để đi học cho tiện”
Hiện tại, cô thuê một phòng với tổng cộng chi phí là 2.000 nhân dân tệ một tháng (do bố mẹ trả).
Hoang mang về tương lai
“Rõ ràng việc đi học tiến sĩ dễ dàng hơn so với tìm việc. Tôi thấy tim mình trống rỗng và lòng rối bời”, Xiao Xiao nói.
Cô cũng chia sẻ thêm: “Một vài người cũng đang học lên cao như tôi, một số thì đã có công việc, vài người làm quản lý cho công ty gia đình khi quay về nước. Tôi không biết nói chuyện với họ về cuộc sống hiện nay của mình thế nào. Nhiều người đã đi làm và tôi cảm thấy họ rất chín chắn. Có người còn tự mua được ôtô”.
Dù vậy, cô vẫn tin là trong tương lai, cuộc sống của mình sẽ tốt hơn. Xiao Xiao cho biết, thay đổi lớn nhất với cô khi đi du học là về tính cách. Cô đã không còn phụ thuộc vào bên ngoài và có nhiều vấn đề cô thường tự giải quyết.
Xiao Xiao cũng chia sẻ, chương trình học ở nước ngoài khác biệt rất nhiều so với ở Trung Quốc, đặc biệt là về phương pháp học. Du học giúp bản thân cô đã gặt hái được nhiều lợi ích, nuôi dưỡng khả năng suy nghĩ độc lập và logic. Cô nghĩ rằng những điều này sẽ hữu ích cho công việc của mình sau này.
Hiện tại, mỗi ngày cô thường tới trường từ 7 giờ sáng và quay về nhà trọ lúc 9 giờ tối. Một tháng, cô chỉ nghỉ 2 ngày. Mặc dù không tự tin mình là sau khi có bằng tiến sĩ mọi việc sẽ khá hơn, nhưng cô vẫn làm hết sức: “Dù tương lai thế nào, tôi cũng sẽ nỗ lực hết mình”, cô nói.
Theo vnexpress
- Câu chuyện du học sinh Việt tại Pháp: Ở “chui”, ngơ ngác như thỏ non nơi xứ người
- Du học sinh Việt tại Úc: “Chào mừng đến với thế giới du học sinh nghèo!”
- Du học sinh Việt từng đến 35 nước: “Có những ngày mở mắt sẽ là toàn màu xám”