Chia sẻ: tôi đã học tiếng Anh ở Úc dễ dàng như thế nào?

0
541

Vietucnews – Tính cuối tuần mới lại xả bầu tâm sự nhưng chợt nhớ đến một cái pm với một người bạn mới kết trên Facebook khi cô ấy hỏi lớp học tiếng Anh để nâng cao khả năng nghe và nói.

Mình may mắn hơn người là có 6 năm tiếng Anh ở Võ Trường Toản, cái trường mà 4 năm liền đạt giải ‘Hùng Biện Anh Văn’ ở Hòn Ngọc Viễn Đông. Mà ai học sinh ngữ ở Việt Nam đều biết một điều là văn phạm rất chuẩn, rất cứng nhưng nói và nghe không bao giờ được coi là quan trọng.

Cái ngày mình đặt chân tới Úc, văn phạm của mình còn khá hơn người bản xứ nhưng nói thì rất mỏi tay vì phải xài động từ ‘to quơ’ liên miên. Cô giáo lớp tiếng Anh nói với mình một câu mà mình tâm niệm tới giờ:

“Nếu em nói tiếng Việt sai thì em đáng bị chê cười vì tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ (mother-tongue) của em. Còn em nói tiếng Anh sai mà người nào cười thì người đó không có tư cách và người nào chê thì em cứ hỏi, ‘anh/chị nói được mấy thứ tiếng hé.’’

Vậy thì muốn nói cho giỏi thì chỉ còn cách nói, nói búa xua, nói đại, nói sai cũng nói. Giống như tập đi xe đạp, không té thì sao thành thục, mà sợ té thì không bao giờ biết đạp xe.

(Ảnh: efc.edu)

Mình nhớ có một lần đi thông dịch cho một bệnh nhân. Người đó khai bị chứng mất ngủ. Mèn đéc ơi, thuở còn học English For Today tới lúc đó có biết chứng mất ngủ tiếng y khoa gọi là gì.

Mình bèn xưng tội với ông bác sĩ. Rằng thì là tui không rành medical term lắm nên người này nói là bị chứng không ngủ được, tui đành dịch ra là ‘sleepless nights’ đó.

Ông bác sĩ cười xòa rồi nói, ‘không sao, tôi hiểu rồi.’ Sẵn mình làm tới luôn, ‘vậy medical term của sleepless nights là gì’. Ông nói, ‘Insomnia.’ Tới giờ mình vẫn không quên.

(Ảnh: efc.edu)

À, trong tiếng Anh thì bác sĩ gọi là Doctor, viết tắt là Dr. Nhưng đôi khi thông dịch viên, như Robert Hung ở Sydney, sẽ được mời đi thông dịch cho Mr. (đọc là Mister). Thông thường, bác sĩ gia đình là Dr nhưng khi họ gửi mình đi bác sĩ chuyên khoa với khả năng cao hơn, thì có thể họ gửi mình đi Mister.

Chữ Mr ở đây thực chất là Master, gốc chữ Latin là Magister (thầy của thầy). Thành ra khi nào được gửi đi Mr thì đừng có cuống lên là sao mà bác sĩ gửi tôi đi gặp Mr vậy.

Lại xa đề, người bạn Facebook hỏi có lớp học nào mà học phí rẻ, chỉ cho bạn theo học. Mình nói có mà free. Lớp đó là cái máy truyền hình và máy phát thanh ở nhà đó.

(Ảnh: efc.edu)

Nếu lên mạng mở FB đọc post của cái anh Oz nguyen – phiên dịch viên NAATI, thì okay nhưng sau đó thì mở radio lên, dò cái đài 3AW – tần số 1377 AM, ở Sydney thì dò cái đài 2GB – tần số 873 AM, nếu không thì nghe ABC Radio (mỗi tiểu bang có tần số riêng). Những đài này là những đài gọi là ‘talkback’ radio.

Talkback radio là một hình thức nói chuyện, tranh luận 24/24. Bạn sẽ được nghe người dẫn chương trình nói về một vần đề và người nghe gọi phone vào cho ý kiến. Ban ngày họ nói chuyện thời sự, ban đêm nói chuyện linh tinh. Talkback radio coi như là FB của làn sóng truyền thanh vậy đó. Cái hay là mình có thể nghe chính người Úc nói chuyện.

Talkback radio nổi tiếng tới nỗi Thủ Tướng Úc cũng phải ‘xin’ để được lên đài hàng tuần để nói chuyện đó.

Có thể mấy ngày đầu mình sẽ như vịt nghe sấm. Mình không hiểu sấm này có phải là sấm sét của trời hay không hay là sấm kiểu như sấm (predictions) Trạng Trình hay của Nostradamus.

Mà dù vịt không có vành tai (avian ears) nhưng tụi nó vẫn có cái lỗ để nghe (nhưng nằm sau đuôi mắt). Vậy chắc là sấm là sấm Trạng Trình (vì có ai đọc mà hiểu đâu, toàn đoán mò). Trở lại, có thể mấy ngày đầu thì như vịt nghe sấm nhưng chắc chắn mỗi ngày mình có thể nghe được nhiều chữ hơn.

TV cũng vậy, đài ABC có một đài gọi là ABCNews. Họ chỉ chiếu toàn … tin tức và lặp đi lặp lại cả ngày. Lần đầu không nghe được thì sau một ngày cũng phải nghe được 3, 4 chục phần trăm.

(Ảnh: efc.edu)

Hồi mình mới qua Úc, để tập nghe, mình tình nguyện đi làm cho một viện dưỡng lão. Người lớn tuổi ở Úc thường sống trong các viện dưỡng lão. Cả tuần mới gặp lại được con cháu nên trong tuần họ buồn lắm.

Mình tình nguyện vô làm để …. nghe. Cứ đưa đẩy câu chuyện cho họ nói, họ nói mệt rồi nghỉ, thì mình lại tới người khác nói chuyện. Lại cứ …. nghe. Bởi vậy giờ mình nghe tiếng Úc rất chuẩn, nhất là khi mà mấy ông bà già mất cả hàm răng mà nói chuyện. Hiểu được mới gọi là hay.

Bạn cứ thử đi. Thử cho mình một tháng coi khả năng nghe có khá lên không. Kèm theo nghe TV và radio, bạn có thể ra thư viện địa phương mượn những cuốn sách đọc truyện – audiobooks. Miễn sao có giấy tờ chứng minh là bạn được quyền trở thành thành viên.

À, sẵn chia sẻ với các mẹ các cha, các mum-to-be và các chồng của mum-to-be, là thư viện địa phương ở Úc thường có toy library. Ở Úc ai mà không biết con nít thích đồ chơi, mà chơi vài ngày là chán, bỏ xó.

Vậy tại sao không tham gia vào thư viện đồ chơi địa phương, chỗ các bạn có thể mượn đồ chơi về cho con nó chơi tới khi nó chán thì đem trả lại, mượn món khác.

À, trở lại talking book/audiobook. Phần lớn các truyện đọc ở thư viện hễ có audiobook thì đã có sách. Mình có thể lục trong thư mục (index) để coi có sách và có audiobook không. Nếu có thì mượn cuốn sách về đọc trước. Đọc xong rồi mượn audiobook về nghe. Bạn làm chừng 10 cuốn mà khả năng viết và nghe không khá lên thì cứ kiếm Oz nguyen mà bắt đền … tô phở.

Mấy hôm nói về mấy slang ở Úc. Lỡ đi giao thiệp mà ai nói với bạn là, ‘It’s nice meeting you’ thì thay vì nói ‘Me too’ hay ‘Thank you’ thì thử nói, ‘The pleasure is mine.’ – ‘Niềm hân hạnh đó phải là của tui’.

Nói chuyện FB xong người bạn nói, ‘Goodnight. Ngủ ngon.’ thì không lẽ mình cũng ‘G9’. Thử xài ‘Sweet dreams’ hay ‘Sleeptight’. Còn sang chảnh hơn thì trả lời ‘Ditto’. Ditto không phải là cái bàn tọa to, mà cũng không phải Pikachu Ditto. Nó có nghĩa là ‘the same thing again’ – bạn chúc mình ngủ ngon thì mình nói bạn cũng vậy. Muốn thêm trái tim thì thêm. Nhẹ nhàng mà ý nhị.

Nguồn: FB Oz Nguyen