Vietucnews – Chuyến bay mang số hiệu QF 739, từ Sydney đến Adelaide lúc 8:15 sáng ngày 8/5 đã đánh dấu một cột mốc mang tính lịch sử của Qantas. Hãng vinh dự được cất cánh chuyến bay “sạch” đầu tiên trên thế giới: nơi đồ dùng đều là hàng tái chế, tái sử dụng hoặc tự phân hủy!
Qantas cho biết khối lượng rác thải được tạo ra trong quá trình bay xấp xỉ 34kg. Nhưng với phương pháp mới, gần như không có sản phẩm thừa nào trên máy bay có thể đe dọa đến môi trường xanh của chúng ta.
Đây là mở đầu cho một dự án đầy triển vọng của hãng.
Số liệu cho thấy Qantas thải ra 13,000 tấn rác thải mỗi năm, trong đó có 40% là phế phẩm trên các chuyến bay của hãng.
Từ đây đến cuối năm tới, hãng hàng không quốc gia Úc kỳ vọng sẽ cắt giảm thành công số rác thải nhựa dùng một lần trên máy bay xuống còn 100 triệu món.
Đến cuối năm 2021, khi đa số các chuyến bay quốc tế lẫn nội địa của Qantas và Jetstar đều thực hiện mục tiêu “sạch hóa” thành công, công ty sẽ bắt tay vào kế hoạch giảm 75% lượng chất thải chuyển ra bãi rác.
Nói cách khác, hiện tại Qantas đang tạo ra lượng rác thải lớn tương đương 80 chiếc Boeing 747. Khi áp dụng phương pháp thân thiện với môi trường, trong vòng 18 tháng, con số này sẽ giảm xuống chỉ còn ngang ngửa 20 chiếc.
VIDEO VỀ CHUYẾN BAY QF 739 TRÊN 9 NEWS
Giám đốc điều hành Andrew Parker thừa nhận có một số ít đồ dùng không thể tái chế vì phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt.
“Chúng tôi sẽ thay đổi quy trình vận hành và sản phẩm có thể tái sử dụng trong mỗi chuyến bay khác nhau. Từ đó, mọi người có thể cảm nhận các bước tiến và quy mô của kế hoạch một cách rõ ràng hơn,” anh nói.
“Lý do khiến các chuyến bay không thể loại bỏ rác thải hoàn toàn là vì có một số chất vẫn cần kiểm tra. Chúng tôi chưa có giải pháp để triệt để loại bỏ chúng.”
Dĩ nhiên, tài chính là vấn đề không thể tránh khỏi trong kế hoạch “xanh hóa” này. Tuy nhiên, Qantas tuyên bố chi phí do công ty gánh chịu, hành khách sẽ được trải nghiệm chuyến bay thân thiện với môi trường mà không phải chia sẻ gánh nặng tài chính với hãng. Qantas còn tỏ ra lạc quan về khả năng tiết kiệm chi phí về lâu về dài của dự án này.
Giám đốc điều hành chuyến bay nội địa Andrew David cho biết các cổ đông liên tục yêu cầu hãng hành động để giảm thiểu tác hại đến môi trường.
“Không chỉ ngành hàng không, mà cả thế giới đều phải có trách nhiệm bảo vệ hành tinh này. Có quá nhiều rác thải nhựa được tuôn ra, chúng ta phải có biện pháp để ngăn chặn chúng làm hại môi trường sống,” anh nói.
“Dự án này là một sách lược kinh doanh, bởi nó sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm chi phí. Qantas đã chuẩn bị kỹ càng để đầu tư vào kế hoạch này, chúng tôi biết đó là quyết định đúng đắn và giúp giảm phí tổn cho công ty về sau.
“Điều duy nhất ảnh hưởng đến khách hàng là sự thay đổi trong sản phẩm và dịch vụ.”
Hãng sẽ bắt đầu với việc loại bỏ thẻ lên máy bay làm từ giấy, thay thế bằng mã trên điện thoại.
Qantas đã hợp tác với BioPak để cung cấp cho khách hàng các sản phẩm thân thiện với môi trường như: giấy BioCops, BioNapkins, bộ dụng cụ ăn BioPlastic và hộp đựng thực phẩm BioCane. Tất cả đều được làm từ thực vật, bã mía đường và bột ngô – những chất có thể tự phân hủy.
Các loại bao bì nhựa, giấy, thủy tinh và nhôm khác sẽ được tái chế. Trong trường hợp không tái chế được, người ta sẽ chuyển chúng thành PEF để sản xuất xi măng.
Chuyến bay thử nghiệm này sẽ giúp hành khách khắc sâu ấn tượng về mô hình tiến bộ của Qantas và ý thức trách nhiệm của hãng với môi trường.
Qantas cũng hy vọng hành động của mình sẽ truyền cảm hứng về “chuyến bay xanh” cho các hãng hàng không khác.
Nguồn: 9 News