Bữa giờ, thấy nhiều câu hỏi liên quan đến kết cấu nhà ở xứ Úc, giờ mới có tí thời gian ngoi lên để chia sẻ với mọi người. Hồi mới qua, mình nhìn cách xây nhà bên này, thì cứ lẩm bà lẩm bẩm, sao cái xứ được coi là văn minh mà làm cái nhà gì mà nhìn ọp ẹp quá. Đến mức mỗi khi thấy chủ nhà của mình nổi nóng, mình phải la to, em ném cái gì thì ném vào người anh, đừng ném vào tường, mất công đi vá thạch cao lại, mệt lắm.
Ờ cũng kỳ thiệt, nhà thì tường xây gạch không thèm tô, trong thì chỉ có mấy cái khung gỗ, dán mấy tấm thạch cao èo uột, trần thì thấp lè tè, cao thì được 2.7m, còn không chỉ tầm 2.39m mới đau. So với nhà xứ mình, trần tầng trệt mà cao dưới 3.3m thì đã bị coi là kém sang.
Contents
1. NHÀ ÚC VỚI NHÀ VIỆT KHÁC NHAU THẾ NÀO?
Nhà xứ mình (xét ở mức độ trung bình nhé) xây cực kỳ chắc chắn, từ móng, cột, dầm, sàn đều là bê tông cốt thép. Đến cái mái, dù là mái bằng hay mái dốc, cũng làm bê tông được luôn, thích ngói thì dán ngói lên, còn không thì lát gạch ngoài trời, làm sân trồng rau, nuôi cá, hay đặt cả Sơn Hà (bồn nước) lên luôn. Tất tần tật tường đều xây bằng gạch nung, rồi tô trát đàng hoàng. Đã vậy, nhà nào cũng phải vươn lên chiếm lấy khoảng không, bèo thì 3 tầng, không thì phải 5-7 tầng. Đấy là chưa kể đặc sản về mặt đứng, ôi thì đông tây kim cổ, Thái Lào Ả rập, món nào cũng có. Có những con đường, nếu chịu khó nhìn ngắm, chắc có thể liệt kê được cả lịch sử phát triển kiến trúc nhà ở của nhân loại và thậm chí đôi khi khiến mình phải trầm ngâm, có lẽ người hành tinh là có thật, và đang ở đâu đây giữa chốn nhân gian này.
Quay lại cái xứ Úc, nhìn cái nhà mà muốn nản. Xây gạch xong, rồi chắc hết tiền nên không thèm tô luôn. Mà hình như, dân xứ này nghèo lắm hay sao đấy, hàng rào chỉ làm 2 bên với đằng sau, đa phần là hàng rào gỗ, nhiều nơi còn lỏng lẻo như răng bà già. Trước nhà thì hàng rào có cũng như không, cao tầm 0.9mm – 1.2m. Hay ăn trộm bên này đa phần mập quá không leo rào được ta?
Đã vậy, nguyên một xóm, từ đầu đường đến cuối đường, thấy cứ nhan nhản một phong cách. Nhà nào cũng có cái porch, sát bên là driveway cho xe vào, thi thoảng mới thấy căn nhà 2 tầng, tuổi đời chắc tầm 15 năm trở lại đây. Còn đa phần là các căn nhà tuổi trung niên đến xế chiều, trẻ thì tầm 30 tuổi, chứ thường tuổi từ 40 trở đi. Mái thì gần như nhau, chỉ khác màu ngói, hoặc đôi lúc gặp mấy căn mái tole. Đi vào gần mấy khu trung tâm, thấy mấy căn nhà được coi là diện heritage mà muốn ôm bụng cười. Chỉ có mấy cái verandah, hay chi tiết cửa sổ, balcony có hoa văn này nọ mà council làm như là châu báu, vàng ngọc vậy, muốn sửa cái gì cũng phải xin phép này nọ. Ở xứ mình, mấy cái hoa văn sến súa đó làm rẹt rẹt, muốn 100 năm về trước hay quay lại thời đồ đá là trong vòng 3 nốt nhạc.
Ủa, vậy tính ra, dân mình xây nhà đẳng cấp hơn dân Úc đó chứ nhỉ?
2. TRUY TÌM CĂN NGUYÊN
Thấy vậy, nhưng không phải vậy. Đôi khi, chúng ta thường chỉ so cái ngọn với nhau, mà không để ý rằng, nếu cái gốc đã khác thì ngọn làm sao mà giống được. Ngọn cỏ và cây xương rồng, đứa nào cũng bền bỉ sống, trong những môi trường khác nhau. Cỏ không mọc được ở sa mạc, trên thảo nguyên trù phú cũng vắng bóng xương rồng.
2.1. Căn nguyên đầu tiên: địa khí hậu
Đây là một điểm cực kỳ quan trọng cần phải lưu ý khi phân tích về kiến trúc. Bản chất của căn nhà, là tạo ra một vỏ bao che, là trung gian giữa môi trường tự nhiên, và không gian sống của con người. Môi trường tự nhiên dĩ nhiên sẽ phụ thuộc vào vị trí địa lý và khí hậu.
Việt Nam là xứ nóng ẩm, độ ẩm trong không khí thường ở mức xấp xỉ 80%. Trong khi đó, độ ẩm trung bình ở Úc ở tầm 40-50%.
Chính nhờ vào độ ẩm môi trường thấp nên Úc có thể sử dụng gỗ làm vật liệu chịu lực chính. Trong khi đó, Việt Nam chỉ có thể sử dụng bê tông cốt thép và các vật liệu đất nung làm chủ đạo.
Tuy vậy, cứng chưa chắc đã tốt. Cứng mà không dẻo dai thì chỉ được những phút giây hoành tráng ban đầu, còn lại sau đó thì ẩm ương vô cùng.
Tuy kết cấu và vật liệu có vẻ cứng cáp, vững chãi, nhưng độ bền của công trình nhà ở Việt Nam chỉ tầm sau 20 năm là bắt đầu bộc lộ nhiều vấn đề. Bởi lẽ, sự tàn phá của khí hậu với độ ẩm và nhiệt độ cao làm hao mòn rất nhanh khả năng bao che của vật liệu.
Trong khi đó, so sánh với các căn nhà hơn 30-40 năm ở Úc, khung kết cấu chịu lực vẫn rất ổn (nếu không bị leaking).
2.2. Căn nguyên thứ hai: diện tích xây dựng/diện tích đất ở
Tỷ lệ diện tích xây dựng/diện tích đất ở trong các đô thị ở Việt Nam hiếm khi nào nhỏ hơn 2 (chưa kể chung cư cao tầng). Trong khi đó, tỷ lệ này ở Úc ít khi nào lớn hơn 1, kể cả multi unit development.
Điều này dẫn đến hệ quả là nhà ở Việt Nam phải chồng nhiều tầng, nên kết cấu chịu lực phải gánh thêm tải, bê tông lại có tỷ trọng lớn, các tường bao che và tường ngăn phòng trong nhà lại toàn xây bằng gạch nung, nên dẫn đến việc kết cấu càng phải gia cường nhiều hơn.
Trong khi đó, nhà ở Úc đa phần từ 1-2 tầng, kết cấu chịu lực là khung gỗ (timber frame), dầm, sàn, mái chủ yếu là gỗ, có tải trọng nhẹ hơn nhiều so với bê tông cốt thép, rồi vật liệu bao che phía trên, các tường ngăn lại chủ yếu là vật liệu lightweight nên đã nhẹ lại nhàn.
Chính vì vậy, tường gạch bên này chỉ là tường veneer, tức là một lớp bao che, không chịu lực (trừ tường double brick). Vậy nên, theo thời gian, nếu tường gạch bị lún, nứt, đa phần là do nền móng tường bị sụt lún, ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ, chứ về khả năng chịu lực thì phụ thuộc vào việc inspect timber frame bên trong.
Có một điểm thú vị là, cùng với tác động của môi trường, mật độ xây dựng lại ảnh hưởng đến chiều cao trần nhà. Bởi vì, nhà ở Việt Nam đa phần là nhà liền kề, nếu không tính nhà lô góc thì chỉ có 3-4 mặt tiếp cận với môi trường bên ngoài, đó là dưới tiếp đất, trên tiếp trời, trước tiếp đường (hên thì phía sau tiếp sân). Chính vì ít tiếp xúc với môi trường ngoài, nên cũng ảnh hưởng của thời tiết cũng giảm đi đáng kể.
Còn nhà xứ Úc, đa phần các mặt đều tiếp xúc với môi trường tự nhiên. Trong khi đó chênh lệch nhiệt độ trong ngày và các mùa khác nhau cũng lớn, nên chiều cao trần càng cao, lại càng tốn nhiều chi phí cho điều hòa nhiệt độ. Ngoài ra, chi phí xây dựng cho nhà có trần cao hơn 2.7m sẽ bị đội giá hơn nhiều so với trần cao 2.55m hay 2.7m. Chi tiết vì sao, sẽ được giải thích cụ thể trong các phần tiếp theo.
2.3. Căn nguyên thứ ba: thói quen sinh hoạt
Từ địa khí hậu, đến mật độ xây dựng, sẽ dần dần tác động đến thói quen sinh hoạt. Có một điểm khác biệt rất dễ nhận thấy giữa một khu phố ở Việt Nam và khu phố ở Úc, đó là tần suất xuất đầu lộ diện ra mặt đường của người Việt cực kỳ cao. Thậm chí, có những người, tổng thời gian ngồi vỉa hè tám chuyện còn nhiều hơn thời gian đi ngủ (nhiều khi còn tám trong mơ luôn đó chứ).
Do vậy, cách sống của người Việt là hướng ngoại. Mặt tiền, phòng khách là những không gian dành cho người ngoài ngắm nghía, bình phẩm, nên nó quan trọng. Phòng khách phải ngay mặt tiền, cửa phải rộng, trần phải cao, mặt tiền thì phải hoành tráng, sang trọng, hiện đại, quý phái và có gu, còn gu gì thì không biết. Bởi lẽ, thiên hạ cứ tụm năm tụm ba trên đường, nếu thiên hạ hết chuyện để bàn thì phải bàn đến chuyện nhà của thiên hạ chứ.
Trong khi đó, ở Úc, sau 7h tối là hầu như phố vắng tanh. Sinh hoạt bên trong nhà là chủ yếu, nên thường, không gian chung lại nằm ở gần phía sân sau (hay còn gọi là Secluded Private Open Space). Đây là nơi họ cảm thấy thoải mái và riêng tư, không bị ai khác làm phiền. Do vậy, mặt tiền là thứ phụ, chứ không còn là yếu tố chính. Tiện nghi và riêng tư mới là điều quan trọng.
Tóm lại, mỗi xứ mỗi kiểu, mỗi nhà mỗi cảnh, nên nếu đã lỡ lênh đênh qua xứ Úc, cũng nên biết tí chút để có sự lựa chọn, cân đo đong đếm cho phù hợp với nhu cầu ở của mình.
Phần sau, mình sẽ chia sẻ thêm chi tiết hơn về kết cấu nhà ở xứ Úc, để các bạn có thêm thông tin và bớt hoang mang trong quá trình tìm kiếm căn nhà mơ ước.
Nguồn: FB Dao Tang Luc – group Kiến Trúc, Xây Dựng & Bất Động Sản Úc
bai hay qua
[…] bạn cũng có nhiều yếu tố may rủi lắm. Tuy vậy, khác với phong thủy kiểu Việt Nam, bạn phải nhờ thầy ở trển xuống, thì bên này bạn có thể tự mình làm […]
[…] Khám phá sự khác nhau giữa nhà ở Úc và nhà ở Việt Nam (phần 1) […]
[…] mấy năm trước, thuở chân ước chân ráo đi hành nghề thiết kế kiến trúc ở Việt Nam, mình rất sợ mấy ông thầy phong thủy, nhất là mấy ông thích phán theo kiểu […]