Contents
BỊ CÔNG TY ĐÒI NỢ DÍ
Có một thắc mắc về công ty đòi nợ – debt collector. Oz có chia sẻ trong một lần chém gió về chức năng của những công ty đòi nợ nhưng lỡ trả lời cho người bạn này thì Oz cũng lại chém gió thêm một lần nữa cho rộng đường dư luận.
Số là có anh/chị (‘A/C’) ký hợp đồng (‘HĐ’) 12 tháng cho một số điện thoại di động. HĐ ký từ tháng 1 và tới tháng 11 thì A/C này về Việt Nam. Một thời gian sau thì A/C này mới trở lại Úc tiếp tục sự học và bị cty debt collector liên lạc và báo là đang thiếu nợ $214.
Mà theo Oz nghĩ, những hợp đồng chỉ mua số thì tầm $40 một tháng là vừa tầm cho du học sinh nên nếu có gì thì A/C này chỉ thiếu 1 tháng cuối cùng mà thôi. Nhưng vấn đề là ở Úc khi hết HĐ thì người mướn dịch vụ phải yêu cầu nhà mạng hủy dịch vụ (cancel service).
Nếu không yêu cầu hủy dịch vụ thì nhà mạng sẽ tự động chuyển cái HĐ 12 tháng qua thành month-to-month và vẫn coi là người mướn có trách nhiệm với những month-to-month đó.
Oz đoán là A/C này nghĩ là hết HĐ thì tự động nhà mạng hủy số nhưng không phải vậy, họ cứ tính thêm từ 1 2, thậm chí 3 tháng. Khi hết 3 tháng mà họ không thấy A/C này trả tiền thì họ tự hủy dịch vụ vì cái lý do là ‘non-payment of accounts’ và họ bán già bán non cái nợ đó cho mấy cty thu hồi nợ.
Oz chỉ có thể năn nỉ các A/C là đừng nên coi thường mấy công ty này. Nên liên lạc với họ mà khi liên lạc thì nên dùng email để có records.
Đầu tiên phải yêu cầu họ cho break down của cái số nợ – tức là tại sao cái món nợ này lên tới $210 trong khi chỉ còn thiếu 1 tháng. Nên nhớ họ có quyền tính thêm tiền phí truy tầm thông tin của con nợ và công họ liên lạc đòi nợ.
Khi nắm rõ thông tin thì người thiếu nợ có thể nhận đã thiếu nợ NHƯNG yêu cầu họ cho biết là nếu đồng ý trả hết nợ cùng một lúc thì họ sẽ cho bao nhiêu phần trăm discount.
Theo chỗ Oz biết thì thường thường họ sẽ first offer 10% nhưng người thiếu nợ có thể trả giá 25%. Oz đoán là thường họ hay chấp nhận. Nhất là khi người thiếu nợ cho biết lý do là ‘tôi chỉ đồng ý chịu trách nhiệm tháng 12/2019 và tôi hoàn toàn không biết là nhà mạng đã tính thêm tiền mấy tháng sau vì tôi đã về VN và không nhận được thư báo gì cả!!’
TIỀN HƯU BỔNG (SUPERANNUATION) VÀ BẢO HIỂM LINH TINH
Oz xin chia sẻ một thắc mắc của một người bạn trên Phây về chuyện rút tiền hưu bổng. Ban đầu Oz cứ nghĩ là người muốn rút hưu bổng là công dân Úc và đã về Việt Nam (‘VN’) sinh sống mà giờ muốn rút tiền hưu bổng nhưng té ra người muốn rút từng là du học sinh, qua Úc vừa học vừa làm, có đóng hưu bổng nhưng khi về VN thì lại không rút ra mà muốn để đó.
Oz có chia sẻ là dù người này có về VN bao lâu đi nữa nhưng chưa tới tuổi hưu thì vẫn chưa được rút super ra. Vì đây là luật hưu bổng của Úc và chỉ có vài trường hợp quỹ hưu bổng cho rút nhưng với những điều kiện rất khắt khe – thí dụ phải có 2 bác sĩ chịu ký giấy là người có hưu bổng chỉ còn sống khoảng 1 năm nữa thôi.
Nhưng vì cô-Vi-19 tuổi nên chính phủ Úc có trợ giúp cho ai có hưu bổng thì có quyền rút ra 10,000 trước 30/6/2020 và một lần nữa 10,000 sau 1/7/2020. Nhưng họ đòi hỏi điều kiện là người đó phải bị ảnh hưởng của cô-Vi-19 tuổi trong đó có điều kiện là đã bị mất lương hay lương bị giảm ít nhất là 20% so với lương thường lãnh hằng tuần.
Muốn rút hưu bổng thì việc đầu tiên là phải đăng ký một tài khoản với myGov. Khi có tài khoản này rồi thì mới liên kết (link) với ATO – Sở Thuế Liên bang.
Mà muốn link với ATO thì phải nhớ số thuế (Tax File Number), phải nhớ địa chỉ cuối cùng khi khai thuế và nhớ chính xác là hồ sơ thuế có tên gì. Oz thí dụ người này tên là Nguyễn Minh Hoàng và khi còn ở Úc, đã từng khai thuế và hồ sơ thuế có tên là Minh H Nguyen hay Hoang M Nguyen thì phải nhớ đúng thứ tự đó thì mới link được ATO với myGov.
Khi link được rồi thì đăng nhập vào myGov và ‘xin được rút tiền hưu bổng sớm vì CoVID-19’ – Request to access early super due to CoVID-19. Cái link này nằm sẵn trên trang mạng của myGov.
Khi đã điền đúng chi tiết cá nhân thì tự ATO sẽ thông báo cho người này biết là người này có (hay có bao nhiêu) quỹ hưu bổng nào và tên quỹ hưu bổng là gì. Lúc đó mới nạp thông tin và xin rút tiền hưu bổng. ATO sẽ cứu xét coi có chấp nhận cho rút hay không.
Nếu chấp nhận thì tự ATO sẽ gởi thư cho quỹ hưu bổng đó và họ sẽ trả tiền hưu bổng cho tài khoản mà người xin rút đã cung cấp trong quá trình làm đơn xin.
Trở lại trường hợp của người muốn rút và đã về VN. Người này có thể coi lại những cái payslip cũ thì trên đó sẽ có phần cho biết là chủ hãng (hay employer) đã trả tiền hưu bổng vào quỹ hưu bổng nào. Thông thường, Oz có thể đoán là quỹ hưu bổng nào – thí dụ người này từng làm trong ngành xây dựng thì là CBus – Construction and Building Unions Superannuation; hay nếu từng làm trong ngành ẩm thực thì thường là HoS – Hospitatlity Super Funds hay làm cho chính phủ thì thường là State Employee Superfund.
Chỉ có điều là thế này. Thường thường ai trả superannuation thì quỹ hưu bổng thường hay trích 1 phần ra để đóng tiền bảo hiểm TPD – Total and Permanent Disability (Bảo Hiểm Tàn Phế và Tàn Tật) và Bảo Hiểm Thất Nghiệp (Income Protection Insurance). Khoảng phí này thường tầm $30 – $40 một tháng. Bảo hiểm này rất cần cho những ai làm trong những ngành có rủi ro cao (ngành xây dựng, ngành cầu đường, ngành khai thác quặng mỏ)
Oz thí dụ người này làm lương $1000 một tuần (4000 một tháng) thì người này phải đóng $360 một tháng tiền hưu bổng cho quỹ hưu bổng (tầm 9%). Quỹ sẽ trừ $30 hay $40 tiền bảo hiểm như Oz trình bày ở trên và đầu tư phần còn lại. Nhưng nếu người này không đóng (vì đã về VN) và đã không yêu cầu quỹ hủy việc tiền đóng bảo hiểm thì cứ mỗi tuần hay mỗi tháng quỹ cứ tự động trừ ra từ từ, và trừ cho đến khi hết.
Hết là vì người này không đóng thêm tiền hưu bổng hàng tuần qua việc trừ lương (contribution) và tiền lời của phần tiền hưu bổng đang có không đủ để trả tiền bảo hiểm. Vì thế rất nhiều người làm 3 4 năm rồi nghĩ làm thì vẫn nghĩ tiền hưu bổng còn đó nhưng tới khi hỏi thăm thì mới biết là không còn đồng nào.
Đây là một vấn nạn trong ngành hưu bổng vì insurance payments đã erode (làm cạn kiệt) số tiền hưu bổng của rất nhiều người. Vì thế từ năm 2018 hay 2019 chính phủ ra luật bắt các quỹ hưu bổng KHÔNG ĐƯỢC TỰ ĐỘNG TRỪ TIỀN BẢO HIỂM cho những người nào trong quỹ có dưới 6000. Họ phải gởi thư cho người có ít hơn 6000 để hỏi ý kiến người này có muốn giữ bảo hiểm hay không. Và người có quỹ hưu bổng phải thông báo là vẫn muốn hay không muốn tiếp tục đóng. Đây là cái mà anh chị em nên để ý để quỹ hưu bổng của mình không bị erosion tới khi cạn kiệt.
LÀM SAO GIẢI QUYẾT GIẤY PHẠT ‘NOTICE OF FINAL DEMAND’
Vài anh chị em đã lúng túng khi nhận được ‘Giấy Yêu Cầu Trả Tiền Lần Chót’ – Notice of Final Demand khi bị giấy phạt quá tốc độ nên Oz mạo muội chia sẻ một kinh nghiệm đáng nhớ của một anh con nhà giàu, đẹp trai và giỏi võ (đai đen Aikido).
Khi cảnh sát hay văn phòng chụp hình giao thông (Traffic Camera Office) gởi cho quý vị tài xế tay lái lụa một giấy phạt (giả sử chạy quá 10km/h) thì giấy phạt thường là hai trăm tám ba trăm. Nếu quý vị không trả hay không biết để trả thì sau 28 ngày giấy phạt đó bị cộng thêm $28 tiền nhắc nhở mà họ gọi là ‘Reminder Notice’. Nếu sau 28 ngày nữa mà vẫn không trả thì họ sẽ gởi cái giấy phạt gọi là ‘Notice of Final Demand’ và tăng gần gấp đôi tiền phạt.
Trường hợp các anh chị dùng xe đứng tên của công ty thì giấy phạt (cũng cùng tội danh) thì tiền phạt sẽ lên tới gần $3,500 khi tới giai đoạn ‘Notice of Final Demand’.
Làm sao để giải quyết thì cho Oz góp chút ý. Nếu thấy thích hợp thì có thể thử vì đúng là trong mùa thương khó này mà bị giấy phạt trên 3 ngàn thì đau lắm.
Vì giấy phạt đã tới mức cuối cùng, tức là đi từ giấy phạt (Fine) tới giấy nhắc nhở (Reminder) và Giấy Đòi Trả Cuối Cùng (Notice of Final Demand) thì có nghĩa là Fines Victoria không còn là cơ quan giải quyết chuyện này được. Không cần liên lạc với họ vì nếu có liên lạc họ cũng chỉ có nói các anh chị phải làm theo chia sẻ của Oz.
Các anh chị em phải làm một cái đơn gởi cho tòa án gần chỗ sinh sống để xin Tòa cho thêm 28 ngày để giải quyết giấy phạt này. Thí dụ quí anh chị sống ở vùng Brimbank thì làm đơn gởi cho Co-Ordinator của Sunshine Magistrates’ Court. Nếu sống ở Springvale thì làm đơn gởi cho Dandenong Magistrates’ Court. Tội vi cảnh (dù là traffic offence) vẫn bị coi là tội hình sự (criminal offence) nên quí anh chị phải gởi email cho Criminal Co-Coordinator – Điều Hợp Viên (‘ĐHV’) Án Hình Sự của Tòa Án nha.
Cái đơn mà quiý anh chị phải làm là ‘Application for Extension of Infringement – 28 days to deal with infringement notice’ *. Trong đơn, quý anh chị phải trình ra lý do tại sao lại để giấy phạt tới mức này. Nếu lý do mà chính đáng và hợp lý thì ĐHV sẽ sắp xếp một ngày cho quiý anh chị ra hầu Tòa. Oz đính kèm cái mẫu đơn cho quý anh chị tham khảo trong hình. Đơn phải được chứng nhận bằng chữ ký của Justice of Peace, Bác Sĩ, Dược Sĩ hay Cảnh Sát.
Oz đơn cử một thí dụ gọi là chính đáng và hợp lý – có một anh, như Oz đề cập đến, đẹp trai, cao 1 mét 82, con nhà giàu, giỏi võ (đai đen Aikido) cũng bị giấy phạt xe tải đứng tên công ty của ảnh. Ảnh cũng bị phạt $3,460 nhưng ảnh làm đơn và báo cho ĐHV là công ty của ảnh đã đóng cửa lâu rồi (nhưng xe thì vẫn còn). Sau khi cty đóng cửa, ảnh đã mướn một hòm thư (PO BOX) và trả tiền cho Bưu Điện để chuyển thư cho ảnh từ địa chỉ công ty về địa chỉ hòm thư. Ý ảnh là ảnh đã làm như vậy mà Bưu Điện vẫn gởi giấy phạt về địa chỉ công ty làm ảnh không nhận được giấy phạt, thành ra bị phạt thêm chứ không phải ảnh cố ý không trả.
Ảnh có bằng chứng là biên nhận trả tiền cho ‘Mail Redirection Service’ của Australia Post. Ảnh gởi đơn và copy của biên nhận cho ĐHV Tòa Án Sơ Thẩm Broadmeadows và người ta đã xắp xếp cho ảnh ra tòa để ảnh có dịp ca bài ca con cá với ba Tòa Quan Lớn xin đèn trời soi sáng và thuyết phục ông tòa cho ảnh gia hạn giấy phạt. Theo ý Oz thì ảnh có tới 99% là thuyết phục được ông tòa.
Nếu quý anh chị thắc mắc về quyền xin gia hạn thì Oz xin reference là Section 67 của Road Safety Act 1986 cho quyền người bị phạt (nếu quá hạn) có thể xin gia hạn. Đơn này áp dụng cho giấy phạt thường hay giấy phạt cho xe công ty ở giai đoạn Notice of Final Demand.
Trở lại chuyện của anh Aikido, nếu ngày hầu Tòa và Tòa chấp thuận cho gia hạn thì giấy phạt của anh sẽ trở lại bước đầu tiên. Nếu anh nhận tội thì anh phải điền vào mặt sau và báo cho Fines Victoria là người lái xe là anh và Fines Victoria sẽ ra giấy phạt gởi cho ảnh và nhất là giảm fine xuống tầm hai trăm tám ba trăm. Tới lúc đó ảnh có quyền trả số tiền nhẹ như lông ngỗng (vì con nhà giàu mà) hay ảnh có thể xin một cái internal review.
* Oz xin kèm cái link của application – mcv.vic.gov.au/…/application-infringement-extension…
** Trường hợp của anh Aikido này là bị phạt là chạy quá tốc độ qui định 10km/h. Nếu trong 2 năm vừa qua mà ảnh không bị tội tốc độ nào thì ảnh có thể xin cảnh cáo mà khỏi đóng tiền phạt này luôn.
Nguồn: Oz Nguyễn
- NÓNG: CBA thừa nhận 87 cáo buộc bán bảo hiểm bất hợp pháp
- Ngân hàng lớn nhất Úc bị cáo buộc bán bảo hiểm bất hợp pháp
- Có nên mua bảo hiểm xe ô tô tại Úc?