Vietucnews – Nhân dịp có một số bạn bè của mình có ý định qua Úc du học và định cư, mình xin chia sẻ một chút xíu về hành trình xin visa thường trú (PR) của mình.
Mình qua Úc du học năm 2015, khi đó mới 25 tuổi, cũng chưa định hình được trong đầu là sẽ xin PR như thế nào, mà chỉ tự nhủ là sẽ tập trung học cho thật tốt, mở rộng network, đi làm lấy kinh nghiệm… Mà quả thật, có muốn tính cũng không được vì thông tin trong nước quá ít, các hội thảo du học chỉ tập trung vào việc chọn trường, khoá học, còn thông tin trên web Bộ Di trú thì ngay cả nếu có tiếng Việt chắc mình cũng không hiểu nó nói gì, vì không rành hệ thống bên Úc.
May mắn thay, mình được rất nhiều người tốt giúp đỡ, chia sẻ thông tin, bí quyết, nên hồi tháng 6 vừa qua, sau hơn 4 năm lăn lộn ở Melbourne, mình cũng đã được cấp PR.
Bài chia sẻ của mình chỉ xin tập trung vào visa 189 – Skilled Independent, hay còn gọi tay nghề độc lập. Để xin định cư Úc theo diện này, bạn cần phải có thẩm định tay nghề (skills assessment) của một ngành nghề nằm trong danh sách do Bộ Di trú quy định, cũng như phải đạt các điều kiện khác về tiếng Anh, bằng cấp, tuổi tác, thời gian sống tại Úc… Mỗi yếu tố mà mình vừa liệt kê sẽ được quy thành điểm, và điểm bạn càng nhiều thì cơ hội được cấp PR càng cao.
https://immi.homeaffairs.gov.au/…/v…/skilled-independent-189
Ngành mình chọn để xin định cư là Giáo viên Mầm non (Early Childhood Teacher). Người Việt mình vốn quen với hai ngành Accountant và IT, nhưng theo mình được biết thì điểm hai ngành này trong những năm gần đây đã cao chót vót. Một số ngành khác cũng đang “hot” bao gồm Social Worker, Nurse, Secondary Teacher,…
Vậy thì, nếu bạn đang có ý định đi du học và định cư Úc sau này, việc đầu tiên bạn cần làm là lên trang web của Bộ Di trú (sau này đổi tên là Bộ Nội vụ – Department of Home Affairs) và tra xem ngành học của mình có nằm trong danh sách được xin định cư theo diện 189 hay không (danh sách Tay nghề Chiến lược Trung và Dài hạn – MLTSSL).
https://immi.homeaffairs.gov.au/…/wor…/skill-occupation-list
Sau khi xác định được ngành học, bạn cần tìm hiểu xem tổ chức thẩm định tay nghề (skills assessment authority) của ngành đó là gì. Ví dụ ngành Early Childhood Teacher sẽ do AITSL thẩm định tay nghề. Điều này rất quan trọng, vì không phải cứ hễ ngành Teaching thì bạn chọn bất cứ khoá học nào có chữ Teaching cũng được, mà bạn phải xem yêu cầu để được cấp thẩm định tay nghề là gì? Những khoá học, trường học nào được tổ chức thẩm định tay nghề công nhận?
Trong quá trình học hoặc trong kỳ nghỉ, bạn nên luyện thi tiếng Anh (IELTS hoặc PTE) trước, và nếu muốn chắc ăn thì luyện thi thêm CCL (Credentialed Community Language) để được cộng thêm điểm. Hãy ráng lấy cho được IELTS 8.0 full band, vì chỉ cần từ 7.0 lên 8.0 là bạn có thêm được 10 điểm cho visa 189, lợi thế cạnh tranh rất lớn.
Chuẩn bị sẵn hết các giấy tờ, bảng điểm, bằng cấp, dịch thuật, công chứng, để ngay khi bạn kết thúc khoá học là có thể xin thẩm định tay nghề ngay. Thời gian trả hồ sơ tuỳ theo ngành nghề, chẳng hạn như ngành của mình thì mất tối đa 10 tuần.
Sau khi có được giấy thẩm định tay nghề, bạn lên SkillSelect để mở hồ sơ, điền thông tin tương ứng và… chờ. Tuỳ theo điểm số của bạn cao hay thấp, sau vài tháng đến có khi cả năm, bạn sẽ nhận được thư mời của Bộ Di trú để xin visa 189. Có được thư mời là coi như đi được nửa đường rồi, phần còn lại chỉ là upload giấy tờ, đóng tiền visa và khám sức khoẻ thôi.
Lưu ý cuối cùng của mình là trường hợp mỗi người mỗi khác: bằng cấp, kinh nghiệm, tuổi tác… do đó nếu muốn an tâm, bạn nên đặt hẹn với các chuyên viên di trú có đăng ký với MARA để có được lời khuyên cụ thể. Điều quan trọng là tự mình cũng phải tìm hiểu, tự lên mạng kiểm chứng thông tin. Nhiều trường hợp chỉ quăng một cục tiền cho agent mà không thèm kiểm chứng, đến cuối cùng phải nhận trái đắng, trên các group Facebook chia sẻ rất nhiều.
Nguồn FB Trinh Le
- Di trú Úc: Những thay đổi về visa định cư, visa làm việc từ 1/7/2019
- Úc: Chuyển đổi visa du lịch sang du học như thế nào?
- 10 lý do visa du học Úc của bạn bị từ chối