Vietucnews – Tại Mỹ, hồi đầu năm nay, một công ty sản xuất mặt kính đặc biệt với độ bền hơn cả Gorilla Glass 6 lần, chống xước tốt hơn 10 lần, đã tìm tới FBI để điều tra vì nghi Huawei đã đánh cắp bí mật thương mại của họ.
Kết quả cuối cùng là một vụ giăng bẫy diễn ra ngay tại triển lãm CES và sau đó là cả một cuộc đột kích vào cơ sở thử nghiệm của Huawei tại San Diego. Và có lẽ đó cũng chỉ là một trong số những hành động thực tiễn mới nhất, mở ra gợi ý về những lợi ích khổng lồ mà Huawei đã thu được từ việc đánh cắp bí mật.
Chuyện bắt đầu với Adam Khan, nhà sáng lập của Akhan Semiconductor. Công ty này từ lâu đã tìm cách nghiên cứu ra một loại kính cường lực mới mang tên Miraj Diamond Glass, trên đó có phủ kim cương nhân tạo cùng một cấu trúc và cách thiết kế nano đặc biệt để cho độ bền ưu việt hơn, triển vọng sẽ tạo ra những thiết bị di động với màn hình có mức độ bảo vệ vượt trội hơn hầu hết những công nghệ khác hiện nay. Trong phép so sánh, Khan tuyên bố rằng kính của họ bền gấp 6 lần và chống xước gấp 10 lần so với kính Corning Gorilla Glass.
Tuy nhiên công ty của Khan vẫn là một startup công nghệ nhỏ và cần phải tìm các đối tác để hiện thực hóa công nghệ vào sản phẩm di động thương mại hóa. Và một trong những khách hàng tiềm năng của Khan là Huawei. Trong lúc tìm kiếm đối tác, Khan đã nhận được hồi âm từ một số nhân viên từ trụ sở Huawei tại San Diego, Mỹ. Qua trao đổi, Khan đồng ý gởi một mẫu kính phủ kim cương nhân tạo độc quyền của họ tới phòng thí nghiệm của Huawei để thử nghiệm.
Khi gởi hàng mẫu với hình dạng một mẩu kính vuông cạnh khoảng 10 cm cho Huawei, Khan đã bọc cẩn thận trong giấy sáp, đặt vào một khay có lót gel silicon, đựng trong một hộp nhựa, bao xung quanh là các túi bóng khí và niêm phong lại trong hộp các tông để gửi tới Huawei.
Thỏa thuận ràng buộc là rất nhiều, bao gồm cả việc phía Huawei cam kết không có tác động gây hại nào đối với sản phẩm của Khan và Huawei hứa phải trả lại mẫu trong vòng 60 ngày. Đồng thời trong văn bản gởi tới Huawei, Khan còn nhấn mạnh rằng Huawei phải tuân thủ luật xuất khẩu của Mỹ, bao gồm điều khoản Quy định về buôn bán vũ khí quốc tế (ITAR), quản lý việc xuất khẩu các vật liệu quốc phòng. Kính phủ kim cương nằm trong danh sách này bởi chúng có thể được dùng trong việc chế tạo vũ khí laser.
Tuy nhiên, 2 tháng trôi qua và phía Huawei vẫn im hơi lặng tiếng. Không hề có một lời hoặc một thông tin gì về việc trả mẫu lại cho Khan. Lúc bấy giờ, Khan và Carl Shurboff – chủ tịch kiêm COO của công ty, bắt đầu lo lắng. Shurboff gởi mail cho Huawei và cái họ nhận được chỉ là sự phớt lờ.
Mãi 5 tháng sau thì hộp đựng mẫu vật mới quay trở về với họ. Và mọi chuyện tá hỏa lên khi mà mở chiếc hộp được đóng gói giống như lúc đầu ra, mẫu kính đã bị phá hủy, vỡ thành nhiều mảnh và một vài mảnh còn bị mất đi.
Trong những tình huống thông thường khác thì đứng trước điều này, phía Khan có thể nghĩ lạc quan rằng do sơ suất hoặc phía Huawei đã test quá tay. Tuy nhiên, trước những mối quan ngại gần đây về Huawei, kết hợp với tất cả những bằng chứng khác, bao gồm cả yếu tố nhạy cảm là một món hàng gửi theo quy định ITAR, Khan đã trình báo với cơ quan chính phủ để xác định điều gì đã xảy ra. Lúc bấy giờ, mẫu vật được gửi tới phòng thí nghiệm của FBI để điều tra và kết quả phân tích cho thấy mẫu kính phủ kim cương đã bị Huawei tác động bởi tia laser công suất 100KW – công suất đủ mạnh ở cấp độ vũ khí.
Với sự hỗ trợ của FBI, Khan và Shurboff quyết định bay tới triển lãm CES 2019 vào đầu tháng 1 trong vỏ bọc là tìm kiếm cơ hội kinh doanh bình thường, sắp xếp một cuộc họp với đại diện Huawei để thảo luận hợp tác. Mọi thứ đã được phía FBI lên kế hoạch trước, họ chuẩn bị sẵn một căn phòng để 2 bên gặp gỡ nhau và trong đó có lắp máy để các đặc vụ từ xa có thể nghe và ghi lại, từ đó xác định xem điều gì xảy ra với mẫu kính phủ kim cương và liệu có hành động nào vi phạm ITAR hay không.
Tại triển lãm, Khan và Shurboff đã sắp xếp mọi chuyện như thế với người mà họ liên lạc bên Huawei là Angel Han, một kỹ sư của Huawei. Tuy nhiên, đến giờ chót thì Han yêu cầu thay đổi địa điểm và hẹn gặp lại ở một cửa hàng burger. Tại đây, Han đi cùng với Jennifer Lo, giám đốc cung ứng cao cấp của Huawei tại Santa Clara, California. Do đó, phía Khan cùng FBI phải thay đổi kế hoạch, chuyển sang gặp và theo dõi tại cửa hàng burger nhằm không bỏ lỡ cơ hội điều tra.
Trong cuộc trao đổi, phía Huawei hoàn toàn phủ nhận mọi hành vi sai trái của họ, đồng thời cũng không thể đưa ra lời giải thích về việc tại sao mẫu kính bị hư hại. Những thông tin này đã đủ để thuyết phục thẩm phán cho phép FBI đột kích vào phòng thí nghiệm của Huawei tại San Diego để kiểm tra.
Tuy nhiên, cuối cùng thì phía Khan vẫn không hoàn toàn nhận được câu trả lời mà họ hy vọng. Kết quả tính tới hiện tại chỉ là một thông cáo do họ gửi đi, trong đó nói họ tin rằng Huawei đã phá hủy sản phẩm của họ và gửi về Trung Quốc mà không được phép.
Hiện chính bản thân công ty Akhan vẫn chưa biết mọi chuyện sẽ kết thúc thế nào, liệu những hành vi sai trái có được đưa ra ánh sáng pháp luật Mỹ? Phía FBI vẫn tiếp tục điều tra mở rộng và hoàn chỉnh hồ sơ, bản án vẫn chờ ở tương lai.
Tuy nhiên, dưới góc độ Mỹ thì vụ việc lần này lại một lần nữa dấy lên những mối đe dọa về những tài sản sở hữu trí tuệ, hữu hình cũng như vô hình mà Huawei đã bằng cách nào đó đánh cắp từ các công ty từ lớn tới nhỏ của Mỹ.
Theo tinhte
- NÓNG: Mỹ chính thức cáo buộc bà Mạnh Vãn Chu và Huawei với 13 tội danh!
- Mỹ tuyên bố sẽ đề nghị Canada dẫn độ giám đốc Huawei trước khi hết thời hiệu!
- Bị cấm ở Úc và nhiều nước, Huawei tiếp tục nhận được “cái lắc đầu” từ Canada