Vietucnews – Các phụ huynh nhà giàu Trung Quốc sẵn sàng tìm lối tắt để đảm bảo con cái được vào trường danh tiếng ở Mỹ.
Ở Trung Quốc hiện nay đang bùng nổ những dịch vụ trung gian tuyển sinh vào các trường đại học danh giá tại Mỹ. Các vị phụ huynh giàu có sẽ nghe theo lời khuyên của những người trung gian này, như thuê người viết bài hoặc làm giả thành tích thể thao hay chuẩn bị các món quà hào phóng để đảm bảo suất học cho con cái ở những trường đại học nổi tiếng. Dịch vụ đi kèm thường có mức giá đắt đỏ, lên đến hàng chục nghìn USD.
Trong vụ bê bối chạy vào trường đại học, làm rúng động nước Mỹ hồi đầu năm, các nhà chức trách phát hiện một gia đình Trung Quốc còn chi tới 6,5 triệu USD cho một chuyên viên tuyển sinh để đưa con gái họ vào Đại học Stanford.
Hàng chục người, bao gồm cả các ngôi sao Hollywood và CEO những doanh nghiệp lớn, đã nhận tội hối lộ nhằm “mua” suất vào các trường đại học danh tiếng. Nhưng các chuyên gia giáo dục Trung Quốc nói rằng không có gì lạ khi khuyên các gia đình làm vậy để đưa con cái họ vào những trường đại học nước ngoài.
“Trong giới tuyển sinh, nó gọi là tống lễ thay vì mua chuộc. Khoảng 10.000 USD là mức thấp nhất. Quà tặng trung bình có giá khoảng 250.000 USD”, một cựu cố vấn đại học tiết lộ.
6 nhân viên hiện tại và các cựu nhân viên ở những cơ sở tuyển sinh Trung Quốc cho biết họ từng khuyên phụ huynh nên “tìm đường tắt”.
“Tôi từng làm những việc không mấy tự hào, bao gồm cả việc hướng dẫn các phụ huynh đánh bóng bảng điểm của con cái họ hay tạo thông tin thể thao giả mạo. Tôi từng nhận những bài tiểu luận mắc đầy sai sót, sau đó được các chuyên gia chỉnh sửa rất nhiều”, một cố vấn thú nhận.
Gia đình Fu Rao từng chi 250.000 nhân dân tệ (36.300 USD) cho nhà tư vấn tuyển sinh của em. Toàn bộ gói dịch vụ gồm lời khuyên về cách đối đáp trước các giáo sư, những khóa học nên tham gia để chắc chắn bảng điểm trung học luôn toàn điểm A và cả cách trò chuyện về bóng bầu dục Mỹ. Quá trình trên kéo dài 18 tháng. Trong thời gian này, Fu Rao tham gia tới 4 lần kỳ thi SAT, bài kiểm tra tiêu chuẩn để xét tuyển vào các trường đại học Mỹ, để đảm bảo có được điểm số cần thiết. Sẽ có một người biên tập chuyên nghiệp tinh chỉnh các bài tiểu luận tuyển sinh và sơ yếu lý lịch của Fu Rao. Và theo lời khuyên từ chuyên gia tư vấn, em đăng ký hoạt động tình nguyện tại một trại trẻ mồ côi ở Campuchia.
“Nhiều sinh viên đã làm tình nguyện ở các trường học cho trẻ em ở vùng nông thôn Trung Quốc, vậy nên tôi phải làm điều gì đó khác biệt để khiến đơn ứng tuyển của mình trở nên nổi bật”, Fu Rao giải thích.
Không ít phụ huynh khẳng định họ sẵn sàng chi đậm tiền cho các dịch vụ tuyển sinh bởi họ cảm thấy đang chấp nhận rủi ro lớn khi gửi con cái ra nước ngoài, như tới Mỹ, Anh, Úc, những quốc gia nổi tiếng với môi trường giáo dục chất lượng cao.
Quyết định du học, đồng nghĩa các học sinh bỏ qua cao khảo, kỳ thi tuyển sinh đại học nổi tiếng khắc nghiệt và là con đường duy nhất dẫn tới cánh cửa trường đại học ở Trung Quốc. Huang Yinfei, mẹ của Fu Rao cho hay: “Nếu học sinh không đảm bảo được suất học ở nước ngoài, trở về theo học trong hệ thống Trung Quốc là điều vô cùng khó khăn. Vì vậy, đây là quyết định không thể quay đầu”.
Theo báo cáo hồi tháng hai của Hiệp hội Học giả và Sinh viên Trung Quốc, ngành công nghiệp dịch vụ tuyển sinh đại học nước ngoài từ mức 28 tỷ USD năm 2017 dự kiến tăng lên 35 tỷ USD vào năm 2021. Khi thu nhập tăng, ngay cả những bậc phụ huynh tại các thị trấn nhỏ cũng khao khát cho con mình được hưởng một nền giáo dục đẳng cấp thế giới, thay vì việc học vẹt cứng nhắc tại các trường đại học địa phương.
Trung Quốc chiếm gần 1/3 số lượng sinh viên nước ngoài tại các trường đại học Mỹ, nhưng hồi tháng ba, con số đã giảm do việc quy trình cấp thị thực bị chậm trễ, những lo ngại về việc ngừng các dự án nghiên cứu và nỗi lo sợ về an toàn đã cản trở sinh viên Trung Quốc tới Mỹ khi mà trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa hai quốc gia chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trung Quốc còn là nguồn cung cấp sinh viên quốc tế lớn nhất cho Anh và năm ngoái, số lượng đơn tuyển sinh đã tăng 30%.
“Nhưng bằng cấp nước ngoài giờ đây không còn đồng nghĩa với triển vọng nghề nghiệp tốt hơn ở Trung Quốc. Vì thế các bậc phụ huynh phải tìm mọi cách đưa con vào những trường đại học nổi tiếng. Họ tin rằng bắt đầu từ nhỏ là cách để chiến thắng cuộc cạnh tranh” – Gu Huini, người sáng lập công ty tư vấn tuyển sinh Zoom In, cho biết.
Ở tuổi 15, Shirley Yu là một trong những học sinh trẻ tuổi đang bắt đầu xây dựng con đường dẫn tới trường đại học. Yu đang thuê một công ty tư vấn tuyển sinh. Yu cho biết em nhận ra tình yêu với việc làm phim từ khi học lớp 8.
“Mẹ thực sự muốn em học kinh tế. Bà ấy không nhìn nhận làm phim là một công việc hứa hẹn. Vì vậy, em làm một bộ phim ngắn về một cô gái muốn trở thành vũ công và đề nghị mẹ đóng vai người phản đối cô gái trong phim. Cuối cùng, mẹ cũng thay đổi suy nghĩ” – Yu nói.
Yu cũng tham gia các lớp học thêm về hoạt hình và hiệu ứng hình ảnh vào kỳ nghỉ hè, theo kế hoạch được em soạn thảo cùng người cố vấn. Những người khác thậm chí còn bắt đầu sớm hơn với một công ty mang đến các lớp học đọc, viết và tranh luận cho trẻ em từ bậc tiểu học.
Nguồn: vnexpress
- Huawei lại bị tố ăn cắp bí mật công nghệ của Mỹ, một Phó giáo sư đang chờ xét xử
- Các trường đại học Mỹ bị áp lực bởi lo ngại về Trung Quốc
- Giảm lệ thuộc Trung Quốc, Mỹ đàm phán với Úc để mở cơ sở sản xuất đất hiếm?