Vietucnews – Về vụ việc Nhật Bản ra lệnh thu hồi toàn bộ tương ớt nhập khẩu từ Việt Nam vừa qua, Masan cho rằng Công ty Javis Co., Ltd. đã nhập khẩu nhầm sản phẩm lưu hành nội địa của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan hoặc hàng hóa không rõ nguồn gốc và do lỗi ghi nhãn phụ không đầy đủ.
Lý do thu hồi tương ớt
Thông tin được đăng tải trên Cổng thông tin của Thành phố Osaka, Nhật Bản (https://www.city.osaka.lg.jp/hodoshiryo/kenko/0000466827.html), sự việc liên quan đến việc ghi nhãn không đầy đủ của Công ty Javis Co., Ltd. là đơn vị đã nhập khẩu 757 thùng tương ớt Chin-Su cho 03 lô hàng có hạn sử dụng đến ngày 10.6.2019, 17.6.2019, 6.7.2019 và bán toàn bộ cho Công ty ISC Industrial Co., Ltd.
Theo thông tin được công bố trên cổng thông tin của thành phố Osaka, nhà nhập khẩu đã thiếu sót trong ghi nhãn. Cũng theo thông tin từ cổng thông tin này, phụ gia thực phẩm benzoic acid không phải là chất cấm mà được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau với hàm lượng tối đa lên đến 2,5g/kg. Hàm lượng phụ gia thực phẩm benzoic acid được Trung tâm y tế công cộng thành phố Osaka kiểm tra trên sản phẩm Tương ớt Chin-Su này là từ 0,41-0,45g/kg là an toàn và không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của Nhật Bản.
“Nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam”
Với câu hỏi đang là băn khoăn của nhiều người vì sao Nhật Bản không cho phép acid benzoic trong tương ớt, Việt Nam lại cho phép, một lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho rằng quy định các nước khác nhau do nhu cầu sử dụng thực phẩm của mỗi nước.
Ví dụ sản phẩm xì dầu (nước tương), cách sử dụng tại Việt Nam là dùng trực tiếp, nhưng có quốc gia lại sử dụng để nấu nướng, vì thế quy định có khác nhau.
Tại Việt Nam phụ gia thực phẩm benzoic acid cũng được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau và Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30.11.2012 về quản lý phụ gia thực phẩm, hàm lượng benzoic acid được sử dụng với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt”.
“Sau khi kiểm tra thông tin nội bộ chúng tôi khẳng định rằng Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chin-Su cho Công ty Javis Co., Ltd hoặc Công ty ISC Industrial Co., Ltd. Khi xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Nhật Bản, chúng tôi phải tuân thủ quy định ghi nhãn của Nhật Bản. Chúng tôi lấy làm tiếc về sự cố này và cho rằng nếu Công ty Javis Co., Ltd đã liên hệ với chúng tôi để nhập khẩu chính thức thì sự cố ghi nhãn này đã không xảy ra.
Do hiện nay chúng tôi không có mẫu sản phẩm nên chưa thể có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ của lô hàng này nhưng nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam, trên đó có ghi rõ “Dành riêng cho thị trường Việt Nam. Không dành cho xuất khẩu. Exclusively for sale in Vietnam. Exports are not authorised”, hoặc là sản phẩm không rõ xuất xứ“, văn bản trả lời báo chí của Masan nêu.
Theo Lao Động
- Sau vụ “cưỡng hôn” bé gái trong thang máy ở Việt Nam, Úc cũng xảy ra vụ dâm ô với bé trai 8 tuổi
- Việt Nam: Phẫn nộ cựu Viện phó Viện kiểm sát Đà Nẵng dâm ô bé gái trong thang máy!
- 3 người Việt Nam bị bắt dính tới ‘vườn’ cần sa khủng trị giá 5 triệu đô ở Queensland