Vietucnews – Qantas đã đề nghị hai “ông lớn” Airbus và Boeing đưa ra phương án chốt hạ khả thi nhất trong tháng 8 để sản xuất dòng máy bay có thể bay thẳng suốt 21 tiếng từ Sydney đến London.
“Hy vọng là đến cuối năm nay, Qantas sẽ nhận được đáp án mình mong muốn,” Giám đốc điều hành Alan Joyce phát biểu trước phóng viên bên lề hội nghị hàng không ở Seoul.
“Nếu tình hình khả quan, chúng tôi sẽ tiến hành đặt hàng.”
Theo dự kiến, dòng máy bay mới phải đến tay Qantas trong năm 2022 để kịp vận hành chuyến bay đầu tiên từ Sydney đến London vào năm 2023.
Tuy nhiên, kế hoạch đưa giường tầng vào khoang hành khách phải tạm thời gác lại. Trước đó, một báo cáo cho biết chiếc máy bay có thể chứa tối đa 32 giường tầng riêng biệt, giúp hành khách có trải nghiệm nghỉ ngơi tốt hơn.
Bên cạnh đó, ý tưởng xây dựng phòng gym cũng từng được Qantas đề cập, song có vẻ không mấy khả thi.
Tuy nhiên, ông Joyce khẳng định hành khách vẫn có đủ không gian và điều kiện để vận động trên máy bay trong suốt chuyến đi dài.
Chuyến bay Sydney – London sẽ “trình làng” tổng cộng bốn hạng vé: hạng nhất, hạng thương gia, hạng phổ thông đặc biệt và hạng phổ thông. Hiện Qantas đang xem xét mẫu máy bay A350 và 777X để vận hành chuyến bay thương mại dài nhất thế giới này.
“Gã khổng lồ” hàng không Úc đang đàm phán với các phi công để điều chỉnh hợp đồng lao động cho phù hợp với nhu cầu của kế hoạch phát triển đường bay thẳng Sydney – London.
Tính đến thời điểm này, Singapore Airlines đang giữ kỷ lục chuyến bay thương mại dài nhất thế giới với tuyến đường Singapore – New York. Tuy nhiên, hãng mới chỉ phục vụ hành khách hạng thương gia và phổ thông đặc biệt trên chuyến bay này.
Với thành tích bán được khoảng 90% số vé hạng phổ thông trên tuyến bay đường dài từ Perth đến London, Qantas tự tin rằng hành khách vẫn sẽ ưu tiên chọn loại ghế này trên tuyến Sydney – London.
“Nhu cầu mua vé phổ thông vẫn ở mức cao,” ông Joyce nhận xét.
VIDEO VỀ DỰ ÁN PHÁT TRIỂN CHUYẾN BAY THẲNG TỪ SYDNEY ĐẾN LONDON
Không chỉ dừng lại ở tuyến đường trên, Qantas còn dự định phát triển thêm các chuyến bay khác với dòng máy bay mới. Cụ thể, hãng sẽ vận hành các chuyến nối liền Melbourne –London, Sydney – New York hoặc bờ đông nước Úc đến các thành phố Châu Âu, bờ đông nước Mỹ và Brazil.
Dự án này sẽ thành công một phần nếu được Bộ Giao thông Vận tải Mỹ chấp thuận ý tưởng thành lập liên doanh giữa ba nước Úc, Mỹ và New Zealand của Qantas và American Airlines.
Song, trước sự phản đối dữ dội của các hãng khác như Hawaiian Airlines và JetBlue Airways, hồ sơ dự thầu đã bị chính phủ dưới quyền ông Obama từ chối phê duyệt vào tháng 11/2016.
Trong đơn xin tái xét duyệt vào năm 2018, Qantas và American Airlines cho biết việc hình thành liên doanh sẽ tạo nên một đối thủ đáng gờm, cạnh tranh trực tiếp với các hãng khác, từ đó buộc họ nâng cao chất lượng dịch vụ, sắp xếp lịch trình thỏa đáng và giảm giá thành.
Nếu kế hoạch không được thông qua, Qantas sẽ có nguy cơ phải giảm tần suất bay, hạ cấp dịch vụ hoặc thậm chí hủy chuyến giữa Sydney và Dallas/Fort Worth trên máy bay A380. American Airlines buộc phải cắt giảm số máy bay hoạt động trên tuyến đường nối liền Los Angeles, Sydney và Auckland.
Các hãng hàng không trên đã bắt đầu chia sẻ chuyến bay với nhau từ năm 1989, thành lập liên minh OneWorld năm 1999 và thắt chặt mối quan hệ hợp tác vào năm 2011.
Qantas và American Airlines đang dựa vào hình thức bay liên doanh để tối ưu hóa lợi nhuận. Nếu dự án liên kết được chấp nhận, cả hai hãng có thể vận hành nhiều chuyến bay đến các thành phố khác, kể cả những nơi không thuộc phạm vi hoạt động của bên còn lại.
Trả lời câu hỏi của báo giới, Giám đốc điều hành Qantas Alan Joyce cho biết: “Chúng tôi sẽ đề xuất nhiều dịch vụ và tuyến bay chất lượng để tiến công thị trường Mỹ khi dự án liên doanh được thông qua.”
Chính phủ Mỹ đã chấp thuận kế hoạch liên minh United – Air New Zealand từ năm 2001. Đến 10 năm sau, Delta và Virgin Australia là hai cái tên tiếp theo được phép gắn bó với nhau trong liên doanh.
Nguồn: 9 News