Úc: Người lao động bị cắt giảm lương tăng ca, liệu phe đối lập có thể xoay chuyển tình thế?

0
161

Vietucnews – Lãnh đạo Đảng Lao động Bill Shorten vừa lên tiếng phủ nhận tin đồn đảng phái của ông dự định đánh thuế di sản nếu đắc cử trong lần bỏ phiếu này.

Tin tức này đã khiến cộng đồng người Úc trên Facebook xôn xao suốt thời gian qua. Trước tình hình đó, Đảng Lao động đã liên hệ với trang mạng xã hội lớn nhất thế giới này để yêu cầu họ xử lý tin đồn thất thiệt.

“Đó là tin đồn vô căn cứ, hoàn toàn là giả dối,” ông nhấn mạnh trong buổi phỏng vấn với các phóng viên tại Melbourne.

“Tôi tin rằng Đảng Tự do nên nghiêm túc tự kiểm điểm về tác phong làm việc của mình. Họ chỉ biết ngáng chân đảng phái khác bằng chiêu trò thấp kém, cụ thể là lan truyền tin đồn thất thiệt để ‘tung hỏa mù’ khiến người dân hoang mang và mất lòng tin vào đối thủ.”

Tài khoản tung tin trên Facebook đã chia sẻ một đường link truy cập thẳng vào thông cáo báo chí hồi tháng 1 của Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg. Trong đó, ông thừa nhận Đảng Lao động và Đảng Xanh từng lên kế hoạch thu 40% đối với thuế di sản, theo tin từ Herald Sun.

Đảng Tự do phủ nhận cáo buộc của ông Shorten về việc giả mạo tin tức.

Ông Bill Shorten tại Luna Park (Melbourne).

CASSIDY CHỈ TRÍCH GIỚI CHÍNH KHÁCH ÚC

Barrie Cassidy, tay bút kỳ cựu của ABC News, đã vạch trần sự thật về các chính trị gia trên khắp nước Úc, chỉ trích họ chỉ có vẻ hào nhoáng phù phiếm, ra ngoài chụp vài bức ảnh để tuyên truyền chiến dịch bầu cử, và thế là xong.

Với kinh nghiệm lâu năm trong mảng tin chính trị, Cassidy từng là người dẫn chương trình The Insiders, đồng thời là thư ký hội nghị bên cạnh Thủ tướng Lao động Bob Hawke vào thập niên 80. Ông cho rằng chính những chiến dịch vận động tranh cử ở nhà máy đã khiến người dân mất niềm tin vào các chính khách.

“Họ đội mũ bảo hộ lao động trong khi vẫn mặc nguyên bộ vest thẳng thớm trên người và đeo kính râm chống nắng, rồi lại trả lời phỏng vấn từ truyền thông… ngày nào cũng thế!” Cassidy nói trên chương trình One Plus One của ABC.

“Tôi tự hỏi nếu tranh cử thất bại, có bao giờ họ ngồi suy ngẫm và thốt lên: ‘Trong 3 năm cuối cùng của sự nghiệp, tôi đã cố hết sức để trở thành một ứng viên gương mẫu, thức khuya dậy sớm, đi thăm nhà máy và thao thao bất tuyệt về kế hoạch của mình, để rồi vẫn bị đá ra khỏi cuộc chơi ư?’

“Lẽ nào họ không nhận ra cái họ gọi là chiến dịch tranh cử thật sự rất vô nghĩa? Chẳng mấy khi thấy chúng mang lại lợi ích thiết thực gì.

Ông Bill Shorten…
… và ông Morrison trong đồng phục lao động.

“Những kế hoạch đó không giúp truyền tải thông điệp, chúng chỉ tổ lãng phí thời gian thôi. Liệu họ có bao giờ ngẫm lại xem hướng đi mình chọn đã phù hợp chưa?

“Thay vào đó, vì sao không dành nhiều thời gian hơn cho văn phòng làm việc, gặp gỡ người dân và tìm hiểu sâu hơn về tình hình thực tế của đất nước và đề xuất kế hoạch mang tính cải tổ? Họ chỉ biết né tránh việc đưa ra quyết định và lơ mơ cho qua một ngày. Thời gian không phải để lãng phí như thế!

“Các vị có thể trải qua một tuần trong yên bình, không làm trò, không phỏng vấn, không chỉ trích cơ mà?”

Barrie Cassidy, người dẫn chương trình ABC Insiders, chỉ trích thái độ làm việc của các chính trị gia.

Khi được hỏi về mức độ đáng tin cậy của các chính trị gia hiện nay, Cassidy thẳng thừng khuyên người dân đừng nên hy vọng quá nhiều.

Đánh giá khắt khe này được ông đưa ra trên cương vị một nhà báo chính trị có thâm niên lâu năm trong nghề. Ông từng phỏng vấn tất cả các đời Thủ tướng Úc trong thập kỷ trước.

CHÍNH PHỦ ÔNG MORRISON SẼ “MẠNH TAY” VUNG TIỀN CHO NGÀNH Y

Thủ tướng Scott Morrison sẽ tập trung nâng đỡ ngành y tế Úc bằng việc đầu tư 165 triệu đô la nhằm hỗ trợ quy trình thử nghiệm lâm sàng và tìm ra phương pháp chữa bệnh xơ nang.

Đảng phái của ông cũng hứa hẹn sẽ chi 100 triệu đô la để phát triển thử nghiệm lâm sàng về thuốc và quy cách điều trị bệnh tại các vùng ngoại ô và nơi hẻo lánh trên khắp nước Úc, nếu họ chiến thắng trong kỳ tranh cử này.

“Các bệnh nhân tại vùng sâu vùng xa không may mắc chứng ung thư, hoặc những loại bênh nguy hiểm khác phải chịu đựng điều kiện gian khổ gấp đôi so với những người ở nội ô. Họ phải cố cầm cự suốt quãng đường dài đến bệnh viện thành phố để được tiếp cận phương pháp điều trị thích hợp – thứ họ xứng đáng được hưởng ngay tại nơi mình sinh sống,” ông Morrison phát biểu.

Theo lời phát ngôn viên Đảng Tự do Simon Birmingham, trước kia người dân vùng ngoại ô đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội để tham gia vào thử nghiệm lâm sàng.

“Nhưng hiện tại thì khác. Họ sẽ trở thành một bộ phận quan trọng trong nhiều cuộc thử nghiệm lâm sàng của ngành y tế Úc,” ông nói với ABC.

Đồng thời, Đảng Tự do cũng cam kết sẽ đầu tư phát triển đơn vị chuyên nghiên cứu bệnh xơ nang tại Westmead Precinct – trung tâm giáo dục sức khỏe và nghiên cứu y học tân tiến bậc nhất Sydney.

LÀM VIỆC XUYÊN LỄ: NGƯỜI LAO ĐỘNG “MẤT NHIỀU HƠN ĐƯỢC”?

Những nhân viên làm việc xuyên suốt kỳ nghỉ Lễ Phục sinh kéo dài 10 ngày có thể tổn thất hàng trăm đô la vì những thay đổi trong chính sách lương tăng ca. Tuy nhiên, ông Bill Shorten cam đoan sẽ đảo ngược tình thế về hướng có lợi cho họ nếu đảng phái của ông đắc cử.

Ông hứa hẹn sẽ ngưng áp dụng những thay đổi trong quan hệ lao động trong suốt 100 ngày đầu tại vị, sau đó tiến hành lập cơ sở pháp lý để ngăn chặn cục diện thay đổi sang chiều hướng bất lợi.

Phát biểu với các phóng viên, ông Shorten cho biết người lao động lương thấp trong ngành khách sạn, bán lẻ và dược phẩm sẽ tổn thất từ ​​220 đến 370 đô la trong 10 ngày nghỉ lễ.

“Hàng trăm nghìn người đã bị giảm bớt lương tăng ca một cách vô lý. Chẳng những không kiếm thêm được nhiều khi làm quần quật cả tuần lễ, mà họ còn phải đứng nhìn đồng tiền xương máu của mình bị cắt xén,” ông nói.

“Lương tăng ca chẳng phải thứ xa xỉ hiếm gặp gì. Chúng ta không giống nước Mỹ, đó không phải là số tiền boa bạn để lại cho nhân viên sau khi hưởng thụ dịch vụ, có cũng được mà không cũng chẳng ảnh hưởng đến ai.

“Chúng tôi tin chắc rằng khi những nhân viên với mức lương thấp nhất ở Úc tự nguyện từ bỏ thời gian bên gia đình để phục vụ chúng ta, giúp mọi người tận hưởng một kỳ nghỉ vui vẻ, công sức của họ phải được đền đáp xứng đáng. Chúng ta không thể ép họ mang thêm gánh nặng tiền bạc trên vai như thế.”

Ông Shorten phát biểu về dự án điều chỉnh mức lương trong ngày lễ.

Lãnh đạo Đảng Lao động cũng công bố mức cắt giảm lương tăng ca đang được áp dụng với các ngành nghề như sau:

  • Thức ăn nhanh: 218.22 đô la
  • Khách sạn: 281.78 đô la
  • Bán lẻ: 276.55 đô la
  • Dược phẩm: 369.41 đô la
  • Nhà hàng: 225.40 đô la.
Người lao động không nên bị cắt giảm lương tăng ca như thế.

Họ khẳng định nếu chính phủ Morrison tái đắc cử trong nhiệm kỳ này, mức lương của người lao động sẽ bị cắt giảm nhiều hơn khi làm việc trong ngày Chủ nhật. Dự kiến điều luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07/2019 đến 01/07/2020.

Việc 8 thành viên trong đảng phái của ông Morrison ủng hộ chính sách cắt giảm lương đã khiến viễn cảnh trên trở nên quá rõ ràng, theo lời Đảng Lao động.

ÔNG SHORTEN BỊ CHẤT VẤN VỀ PHÍ TỔN CHI CHO BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Một lần nữa, lãnh đạo Đảng Lao động lại thất bại trong việc xác định cái giá mà nền kinh tế Úc phải trả để giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.

Khi bị chất vấn về khoản chi cho mục tiêu giảm 45% phát thải của Đảng Lao động, ông phản bác rằng câu hỏi đưa ra là “chưa thỏa đáng”.

“Chính sách do chúng tôi đề xuất không hề ảnh hưởng đến mức thuế của người dân. Chính phủ đang đầu tư hàng tỉ đô la vào quỹ giảm phát thải,” ông cho biết.

“Theo thời gian, các doanh nghiệp dần giảm lượng khí thải carbon, khiến chi phí hỗ trợ họ giảm xuống. Song, mỗi công ty có cách tiếp cận và giải quyết vấn đề của riêng mình. Vì vậy, chính phủ không thể thống kê con số chính xác trong ngân sách hỗ trợ được.

“Câu hỏi của bạn (phóng viên) có khúc mắc thế này: bạn đã quên cân nhắc đến tác động của việc đầu tư lên tình hình biến đổi khí hậu.

“Bạn chỉ chú ý đến phí tổn trong quá trình đó mà thôi.”

Ông Shorten cho biết chi phí mà quốc gia phải trả sẽ ngang với mức dự kiến của chính phủ, vì họ đang vận hành cơ chế bảo vệ khí thải cũ. Song song với việc đó, họ sẽ mua thêm lượng carbon đền bù từ nước ngoài để đạt đến cột mốc cao hơn trong việc giảm phát thải.

Giữa vòng vây của các phóng viên trong suốt tuần này, ông Shorten vẫn không giải thích được kế hoạch chi tiêu để giảm biến đổi khí hậu của mình.

Đảng Lao động đặt ra mục tiêu giảm phát thải lên đến 45%, trong khi con số do Đảng Tự do đề xuất là 26 – 28%, theo cam kết với Hiệp định Paris.

Lãnh đạo phe đối lập Bill Shorten gặp gỡ công nhân tại Luna Park.

ĐẢNG TỰ DO HỨA HẸN CHI 100 TRIỆU ĐÔ LA ĐỂ PHÁT TRIỂN Y TẾ

Như đã đề cập, chính phủ Morrison sẽ đầu tư 100 triệu đô la vào việc phát triển thử nghiệm lâm sàng tại những khu vực thưa dân, từ đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở đây.

“Giờ đây, các thử nghiệm lâm sàng có thể mang lại hy vọng cho bệnh nhân sống ở những nơi xa xôi, thiếu thốn điều kiện y tế,” ông phát biểu.

“Chúng tôi sẽ tạo điều kiện để thử nghiệm lâm sàng lan rộng khắp đất nước, nhằm giúp người dân chống lại những căn bệnh nguy hiểm và nhiều yếu tố đe dọa tính mạng khác.”

Chính phủ ông Morrison cũng sẽ công bố vòng tài trợ cạnh tranh để thể hiện sự chú trọng đến dự án này. Vòng tài trợ chính thức bắt đầu vào ngày 1/10 và kết thúc vào ngày 30/11 tới.

Hội đồng tư vấn nghiên cứu y tế Úc và Hội đồng nghiên cứu y tế và y học quốc gia sẽ bắt tay nhau để thành lập ban đánh giá. Nhiệm vụ của họ là xem xét và xếp hạng các ứng viên vượt qua vòng tài trợ để chính thức bắt đầu kế hoạch từ ngày 1/7/2020, sau khi công bố dự thảo vào ngày 31/3/2020.

Số tiền đầu tư sẽ được Quỹ nghiên cứu y tế thuộc tổ chức cơ sở hạ tầng trọng điểm quốc gia chuyển giao trong vòng 5 năm kể từ năm 2020 hoặc 2021.

Ông Morrison cho biết nhiều bệnh nhân ở vùng thưa dân phải di chuyển một quãng đường rất dài mới đến được cơ sở khám chữa bệnh thích hợp.

“Quỹ tài trợ này có thể mang đến một vài thử thách nhất định, song nếu thành công, các bệnh nhân sẽ có thêm nhiều thời gian để ở bên cạnh những người thân yêu,” ông nói.

Kế hoạch của Đảng Lao động vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ chính phủ Morrison.

Bộ trưởng Y tế Greg Hunt nhận định kế hoạch lập quỹ tài trợ này của chính phủ sẽ giúp người dân tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh tốt nhất, bất kể họ đang ở nơi hẻo lánh đến đâu chăng nữa.

“Khoản tài trợ 614 triệu đô la đến từ Quỹ nghiên cứu y tế tương lai, sẽ phục vụ cho thử nghiệm lâm sàng trên các bệnh ung thư hiếm gặp, bệnh khó chữa trị và nhiều nhu cầu y tế khác còn chưa thỏa đáng,” ông nói.

Đây cũng là một phần trong Chiến lược cải thiện chất lượng y tế tại vùng thưa dân của chính phủ ông Morrison, với ngân sách 550 triệu đô la.

Đảng Lao động là người nổ phát súng đầu tiên trong chiến dịch nương nhờ ngành y tế để tranh cử. Phe đối lập tuyên bố sẽ chi 250 triệu đô la vào đầu tháng này, nhằm giảm thiểu thời gian chờ đợi của người dân khi đến bệnh viện.

Kế hoạch này vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ chính phủ Morrison, bởi họ cáo buộc Đảng Lao động đang lợi dụng nguồn ngân sách trên để hỗ trợ thực hiện kế hoạch giảm chi phí cho bệnh nhân ung thư của mình.

Nguồn: news.com.au