Việt Nam: Vinamilk pha thêm 14 chất không trong quy định vào sữa học đường

0
783

Vietucnews – Ngày 9/4, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh, Vinamilk pha vượt quy định 14 loại vitamin, khoáng chất vào Sữa học đường Hà Nội. Việc này trái với Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế về Sữa học đường.

1, Tại sao Vinamilk lại pha thêm 14 loại vitamin và khoáng chất ngoài quy định vào Sữa học đường cho Hà Nội?

Tại sao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội hai lần gửi công văn tới Bộ Y tế hỏi về sản phẩm sữa học đường? Bộ y tế đã phúc đáp rõ ràng về khuyến nghị 3 vi chất có thể bổ sung. Nhưng rồi lại bỏ mặc Vinamilk pha vượt quy định 14 loại vi chất vào Sữa học đường cho con trẻ?

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến khẳng định với báo giới:

“Sữa trong chương trình Sữa học đường khác so với những sữa tươi đang bán trên thị trường, được dán tem riêng, không bán ngoài thị trường”.

“Sữa này được bổ sung thêm một số vi chất theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia để tăng chiều cao và phát triển thể lực cho trẻ, lượng bổ sung phù hợp với từng lứa tuổi trong học đường” – ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.

2, Thầy Phạm Xuân Tiến giải thích thế nào ?

Thầy Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Nguồn ảnh: vtv.vn.

Hà Nội dùng chung loại sữa pha thêm 17 vi chất của Vinamilk cho học sinh từ mầm non đến hết bậc tiểu học, liệu có thể gọi là “lượng bổ sung phù hợp với từng lứa tuổi trong học đường” như khẳng định của thầy Phạm Xuân Tiến?

Thầy Phạm Xuân Tiến tuyên truyền về Sữa học đường rất bài bản và chuyên nghiệp, nhưng dường như lại không hiểu rõ về sản phẩm Sữa học đường nói chung và sản phẩm Hà Nội “đặt hàng” nói riêng.

3, Sữa tươi đã có đủ vi chất dinh dưỡng cần thiết

Trong bài viết “Mỗi ngày, uống bao nhiêu sữa thì tốt” đăng trên website www.vinamilk.com.vn của Công ty Cổ phần Sữa Việt nam (Vinamilk) ngày 8/8/2016, hãng sữa này khẳng định:

“Sữa tươi là nguồn thực phẩm có đầy đủ các nhóm dinh dưỡng như chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống sữa đều đặn giúp cơ thể phát triển toàn diện về cả thể chất và trí não…”

4, Biết rõ sữa tươi đã đủ dinh dưỡng và vi chất cần thiết, không hiểu sao Vinamilk lại pha thêm 17 loại vi chất cho học sinh Hà Nội sử dụng?

Báo Đại biểu Nhân dân ngày 6/11/2018 có bài phỏng vấn các chuyên gia về việc làm thế nào để thực hiện hiệu quả Chương trình Sữa học đường.

Bài viết dẫn lời Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết:

“Bản thân sữa tươi đã hoàn thiện về mặt dinh dưỡng”.

Do vậy, nếu nghiên cứu bổ sung vi chất để trẻ tăng chiều cao thì không phải tất cả trẻ đều có nhu cầu này.

Thực tế, các hãng sữa đã sản xuất các sản phẩm sữa công thức để tác động tới các nhóm trẻ nhất định như còi xương, mắc một chứng bệnh nào đó… Sữa dùng trong đại trà sẽ rất khó làm được điều này.

Muốn làm, phải tiến hành nghiên cứu trên từng nhóm đối tượng cụ thể như ở thành thị, nông thôn. Nhóm tuổi để quyết định sẽ uống sữa nào, bổ sung những chất gì chứ không thể uống đồng loạt cùng một loại sữa với các vi chất được bổ sung như nhau.

5, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam Trần Quang Trung lên tiếng

“Theo thông lệ quốc tế thì chẳng nước nào có quy chuẩn riêng cho sữa học đường. Tôi đã sang Hàn Quốc và Thái Lan, họ chỉ dùng sữa tươi hoàn toàn. Riêng Thái Lan chỉ đưa ra quy định hàm lượng tối thiểu protein, canxi trong sữa là bao nhiêu.

Còn ở Hàn Quốc, nếu trẻ bị dị ứng đường lactose trong sữa động vật sẽ được uống sữa đậu nành thay thế, tức về mặt tâm lý thì không có gì khác biệt. Chúng ta cứ loay hoay phải tạo loại sữa khác biệt là không nên.

Chưa kể, nếu cho phép bổ sung vi chất vào sữa tươi thì đâu còn là sữa tươi nữa! Khi đó, chúng ta sẽ gắn mác cho sữa là gì? Có phải thực phẩm bổ sung không?” 

Nhận định của Giáo sư Trần Quang Trung

Trên bao bì sản phẩm “100% sữa tươi học đường” của Vinamilk, cả loại có đường lẫn loại không đường, đều đã ghi rõ 4 chữ Thực phẩm bổ sung“.

Chúng tôi sẽ phân tích lý do / mục đích gắn mác cho sữa là “thực phẩm bổ sung” cũng như các quy định pháp lý liên quan trong một bài viết khác. Bổ sung vitamin, vi chất quá liều cũng gây nguy hại đến sức khỏe

Thầy Phạm Xuân Tiến nhiệt tình tuyên truyền quảng bá về loại sữa học đường Hà Nội “nhiều vi chất hơn sữa tươi đang bán trên thị trường”.

6, Không rõ là xuất phát từ nhận thức và thông tin do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chuẩn bị, hay thầy chỉ nói lại những gì do nhà cung cấp soạn sẵn?

Thầy Phạm Xuân Tiến ví von: “Mỗi tháng, phụ huynh học sinh đóng tiền uống sữa học đường hết khoảng 70.000 đồng. Số tiền này tôi vẫn nói vui là bằng giá của 2 bát phở ăn buổi sáng.” 

Phải chăng vì hiệu quả của quá trình tuyên truyền, quảng bá này, nên ngày 8/4/2019 Báo Kinh tế và Đô thị có bài “Nhiều lợi ích không ngờ, phụ huynh Hà Nội “ngất ngây” với Sữa học đường”?

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội bám rất sát, chỉ đạo rất quyết liệt các giải pháp tăng tỉ lệ % tham gia uống Sữa học đường cho thấy một sự mẫn cán đáng kể với công việc.

Nhưng việc quan trọng là đảm bảo ly sữa học đường đến với các em học sinh là sữa tươi đúng nghĩa, đúng với Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng, Quyết định 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế thì có vẻ như quý thầy lãnh đạo Sở lại rất lơ là.

Mặt khác, trước khi đấu thầu mua Sữa học đường, chúng tôi cũng nhiều lần góp ý với đơn vị này, cần có tiêu chí kiểm soát năng lực đầu vào sữa tươi nguyên liệu của các doanh nghiệp dự thầu.

7, Mọi góp ý này đều không được tiếp thu.

Ngược lại, lãnh đạo Sở tiếp tục tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm “Hà Nội đặt hàng riêng” một cách chuyên nghiệp và thành thạo.

Cuối cùng, sản phẩm dành riêng cho Hà Nội cũng không phải, mà lại còn trái quy định của Thủ tướng và Bộ Y tế.

8, Một số thắc mắc từ người dân

Sự tắc trách này do Sở tin tưởng tuyệt đối vào Vinamilk, hay Vinamilk làm theo đặt hàng riêng của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội?

Phải chăng tỉ lệ % tham gia (tỉ lệ mua hàng của Vinamilk) mới thực sự là mối quan tâm của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, còn chất lượng sản phẩm thế nào đã có bên Y tế lo, trong khi Sở Y tế Hà Nội chỉ là đơn vị phối hợp và không phải đơn vị ra bài thầu?

Pha vượt quy định đến 14 vi chất chỉ để tạo ra “cái riêng” nhằm độc quyền cung cấp cho thị trường 1,3 triệu học sinh mầm non và tiểu học Thủ đô sử dụng ổn định với gói ngân sách 1.200 tỷ đồng?

9, Tác hại do thừa chất dinh dưỡng

Trong thực tế các chuyên gia cũng đã cảnh báo về những mối nguy hiểm với sức khỏe khi bổ sung quá liều các vi chất.

Thừa can-xi có thể bị sỏi thận, tăng huyết áp và xương cốt hóa sớm; thừa sắt dẫn đến gan nhiễm sắt, tim nhiễm sắt dẫn đến suy tim; thừa vitamin D có thể bị thiểu năng, kém trí tuệ, thậm chí suy thận và tử vong nhanh…

Chưa biết 14 chất này được bổ sung vào sữa có tác dụng gì, nhưng việc làm này thiếu công khai và chưa tuân theo quy định của Thủ tướng và bộ y tế.

10, Nếu sau này các em có vấn đề gì về sức khỏe, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Thiết nghĩ đã đến lúc cả bên mời thầu là Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lẫn bên trúng thầu là Vinamilk, cần đưa ra câu trả lời thỏa đáng. Sức khỏe của hàng triệu trẻ em Thủ đô đâu phải chuyện đùa.

1.200 tỷ đồng vốn ngân sách quý báu được Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt cho Chương trình Sữa học đường. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dùng mua sản phẩm không đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, sau này quyết toán ra sao?

Trong bài viết tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích về việc bổ sung vượt quy định đến 14 loại vi chất dinh dưỡng vào Sữa học đường Hà Nội. Liệu sản phẩm các em học sinh Thủ đô đang uống có còn là sữa tươi?

Nguồn: giaoduc.net