Sydney: Chất lượng không khí tụt dốc, người dân tính chuyện…chuyển nhà

0
338

Vietucnews – Tình trạng khói bụi liên miên dường như không có điểm dừng ở Sydney đã khiến chị Louise Burke, một người vốn mắc chứng hen suyễn từ khi còn nhỏ, cân nhắc xem có nên mang theo cô con gái mới 1 tuổi di cư đến nơi có bầu không khí “dễ thở” hơn hay không.

“Không khí chưa bao giờ tệ kinh khủng đến như vậy,” chị Burke phàn nàn sau khi bế con gái Isabella đến công viên Burwood đi dạo cuối tuần qua.

“Thật khó chịu vô cùng, mọi thứ đều bị nhuộm màu vàng và cam hết cả.”

Sydney "nghẹt thở" vì ô nhiễm không khí (Ảnh: Wolter Peeters)
Sydney “nghẹt thở” vì ô nhiễm không khí (Ảnh: Wolter Peeters)

Chị Burke uống thuốc hen suyễn một lần mỗi ngày. Gần đây, chị đã phải tăng liều lượng lên gấp 4 mà máy xông mũi của chị vẫn phải làm việc đều đặn không nghỉ mặc dù chị luôn cố gắng ở trong nhà nhiều nhất có thể.

“Sống ở một thành phố tuyệt vời mà bạn lại không thể ra ngoài thì điều đó còn ý nghĩa gì nữa? Nhưng biết đi đâu bây giờ? Vì biến đổi khí hậu mà không khí ở đâu cũng trở nên tệ hại hơn,” chị Burke tự hỏi.

Những người sống ở NSW và phần lớn nội địa Úc có thể cũng đang tự hỏi điều tương tự – và không phải họ không có lý do.

Chị Louise Burke, người mắc bệnh hen suyễn, tự hỏi liệu mình và con gái Isabella có thể chịu đựng được một mùa hè khói bụi hay không. (Ảnh: Janie Barrett)
Chị Louise Burke, người mắc bệnh hen suyễn, tự hỏi liệu mình và con gái Isabella có thể chịu đựng được một mùa hè khói bụi hay không. (Ảnh: Janie Barrett)

26 ngày vừa qua, chất lượng không khí ở Sydney đã đạt đến mức nguy ngại (hazardous), mức độ tệ hơn cả thời điểm 6 tháng được cho là kinh khủng nhất trước đó từ tháng 10 năm 2013 đến tháng 3 năm 2014. Ở các thị trấn như Port Macquarie thì tình trạng còn đáng báo động hơn.

So với tình hình tháng 11 trong 6 năm trước, mức độ ô nhiễm tối đa của tháng 11 năm nay cao gấp 2-3 lần. Chất lượng không khí ở các khu vực tây bắc và tây nam Sydney đứng chót bảng xếp hạng chất lượng không khí. Tuy nhiên, với đà này thì kết quả chất lượng không khí tháng 12 có thể còn đáng lo ngại hơn nữa.

Thực ra, thời tiết khắc nghiệt hiện tại không phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho tình trạng này. Theo các nhà khoa học, nó chỉ bị đẩy lên cao trào cùng với kết quả của việc trái đất nóng lên và khí nhà kính tích tụ bao năm qua mà thôi.

Chẳng hạn, số ngày có nguy cơ hỏa hoạn rất cao và mùa cháy rừng đều kéo dài ở nhiều khu vực ở Úc trong những thập kỷ gần đây theo thông tin từ Nha Khí tượng và CSIRO trong Báo cáo Khí hậu mới nhất của họ.

Hạn hán cũng có khả năng trở nên tồi tệ hơn, nhất là khi lượng mưa đang có xu hướng giảm ở miền nam Úc, đồng nghĩa với việc sẽ có ít nước chảy vào sông và các con đập. Độ che phủ của mây ít hơn và nhiệt độ cao hơn sẽ làm nước bốc hơi nhanh và làm trầm trọng thêm các đợt khô hạn.

Chất lượng không khí hàng ngày giai đoạn 4/12/2017 – 3/12/2019 tại NSW (Ảnh: NSW Government)
Chất lượng không khí hàng ngày giai đoạn 4/12/2017 – 3/12/2019 tại NSW (Ảnh: NSW Government)

Khói từ các đám cháy và bụi cuốn lên không khí từ những vùng khô cằn có hại cho sức khỏe của những người mắc các bệnh về đường hô hấp như chị Burke.

Các hạt bụi siêu mịn và mịn – tương ứng với kích thước 2.5-10 micron – có thể xâm nhập vào máu và phổi, có khả năng gây ra một loạt các bệnh hô hấp hoặc tim mạch do viêm hoặc đông máu. Nếu các cục máu đông hình thành trong động mạch có thể dẫn đến các cơn đau tim, còn các hạt bụi mịn có thể ảnh hưởng đến nhịp tim.

Ông Michael Abramson, phó trưởng Khoa Dịch Tễ và Y Tế Dự Phòng tại Đại học Monash, cho biết nguy cơ ô nhiễm không khí tăng cao có thể sẽ là chuyện thường tình đối với nhiều vùng của Úc.

“Trong bối cảnh cháy rừng nghiêm trọng và thường xuyên hơn thì sức khỏe người dân sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề hơn bởi các hạt bụi mịn như tình trạng hiện tại ở Sydney,” ông nhận định.

Chất lượng không khí của NSW cùng kỳ tháng 11 trong 5 năm vừa qua Nguồn: Bộ Quy hoạch, Công nghiệp và Môi trường NSW
Chất lượng không khí của NSW cùng kỳ tháng 11 trong 5 năm vừa qua (Ảnh: Bộ Quy hoạch, Công nghiệp và Môi trường NSW)

Giáo sư Abramson cũng cho biết trước đây các thành phố Úc vốn có chất lượng không khí tốt và tỉ lệ tử vong do hen suyễn là khá hiếm và chủ yếu rơi vào nhóm cao tuổi.

Theo vị giáo sư này, nhiều người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic Obstructive Pulmonary Diseas – COPD) có rất ít oxy dự trữ trong hệ hô hấp, và lượng hạt mịn cao hít vào liên tục sẽ khiến họ không thể chịu đựng nổi và có thể khó lòng qua khỏi. Các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính phản ứng thuốc chậm hơn so với các bệnh hen suyễn, vì thế những người mắc bệnh này có nhiều khả năng sẽ bị đưa đến khoa cấp cứu.

Những người sống gần đám cháy nhất là những người tiếp xúc nhiều nhất với các hạt bụi siêu mịn vì khi các hạt này chu du lâu trong không khí, thì chúng sẽ kết tụ nhiều hơn và có kích thước lớn hơn.

Cơ quan y tế cảnh báo mọi người, đặc biệt là những người có vấn đề về hô hấp, nên hạn chế ra ngoài. (Ảnh: Ben Rushton)
Cơ quan y tế cảnh báo mọi người, đặc biệt là những người có vấn đề về hô hấp, nên hạn chế ra ngoài. (Ảnh: Ben Rushton)

Một tác nhân khác gây ra hen suyễn và viêm mũi dị ứng – hay sốt cỏ khô – là phấn hoa.

“Có bằng chứng cho thấy khi thực vật bị căng thẳng thì phấn hoa của chúng cũng khiến người ta bị dị ứng mạnh hơn,” giáo sư Abramson cho biết.

Cỏ lúa mạch đen đang lan rộng về phía nam khi nhiệt độ tăng là một thủ phạm gây ra bệnh sốt cỏ khô. Cũng theo giáo sư Abramson, nhiều người dự đoán rằng chứng dị ứng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi trái đất nóng lên và hệ thực vật Úc thay đổi.

Ông Ivan Hanigan, một nhà nghiên cứu ô nhiễm không khí tại Đại học Sydney, đã nghiên cứu mối liên hệ giữa cháy rừng và bụi và việc trái đất nóng lên hồi năm 2011, và kết luận rằng việc giảm thiểu biến đổi khí hậu để ngăn các hậu quả liên quan là “nhu cầu bức thiết.”

Ông cho biết khí nhà kính về cơ bản là một vấn đề ô nhiễm không khí và nếu lượng khí thải còn gia tăng thì ô nhiễm không khí chỉ có thể trầm trọng hơn.

Đây sẽ là chuyện thường tình ư? Không đâu, trái đất sẽ ngày càng ấm lên mà mọi chuyện sẽ chỉ chuyển biến theo chiều hướng xấu đi mà thôi,” ông Ivan Hanigan nhận định.

Nguồn: smh.com.au

Tải app Úc Ơi / VietUcNews / Cộng Đồng Người Việt tại đây nha các bạn http://onelink.to/suwtvz