Vietucnews – Chỉ một con hàu cũng có thể làm sạch 5 gallon (227 lít nước). Sự tồn tại của loài hàu giúp loại bỏ các nhân tố gây ô nhiễm và hoà chất độc hại. Tuy nhiên quần thể hàu khắp nơi trên thế giới đang bị huỷ hoại. Hiện nay, các nhà khoa học đang tìm cách để tái sinh chúng ở một số vùng như Solent, phía Nam nước Anh. Đây là nơi có tình trang hàu bị suy giảm vô cùng nghiêm trọng.
Contents
Hàu – “người bảo vệ biển thầm lặng”
Hàu đóng một vai trò lớn trong việc giảm thiểu ô nhiễm biển, ngăn chặn xói mòn và giúp các sinh vật biển khác phát triển, nhưng sự suy giảm số lượng của quần thể này trên toàn cầu đã làm biến đổi đại dương.
Theo nghiên cứu, lượng hàu và rặng san hô trên thế giới đã giảm 85% so với thời kỳ đỉnh cao. Điều này khiến chúng bị liệt vào danh sách các loài sinh vật biển có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.
Sự sụt giảm nghiêm trọng của loài hàu đồng nghĩa với việc tác dụng thanh lọc của chúng với đại dương cũng biến mất, trong khi ô nhiễm nước đang là vấn đề nghiêm trọng hơn bao giờ hết
Theo Cơ Quan Đại Dương và Khí Quyển Quốc Gia Hoa Kỳ, một con hàu có thể lọc được 50 gallon (227 lít) nước mỗi ngày. Chúng loại bỏ các chất ô nhiễm và giải phóng ra nước sạch để phát triển sự sống. Các loại động vật nhỏ cũng sống ở trên vỏ hàu, nhờ đó thu hút nhiều sinh vật hơn và là nền tảng cho toàn bộ hệ sinh thái.
Hàu đang đứng trên bờ tuyệt chủng vì ô nhiễm và nạn đánh bắt quá mức. Khi chúng biến mất, cuộc sống đại dương vốn phụ thuộc vào loài hàu cũng gặp nguy hiểm.
Những kỹ sư của hệ sinh thái
Hàu hoạt động giống như cơ quan thận của biển, lọc các tạp chất gây ô nhiễm và để lại nước sạch. Chúng loại bỏ các hóa chất như ni tơ và phốt pho – thường được thải ra biển bởi các hoạt động công nghiệp.
Một nghiên cứu của Đại học Standford đã thử tác động của chúng. Các nhà nghiên cứu đưa nghêu, trai, hàu vào một bể chứa nước thải bị ô nhiễm, và trong vòng 72 giờ, các loài động vật có vẻ đã loại bỏ tới 80% các chất gây ô nhiễm trong nước, bao gồm thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sau và chất chống cháy.
Hàu thậm chí có thể làm nước sạch trong hơn. Nước trong sẽ tiếp thu được nhiều ánh sáng mặt trời hơn, giúp cây cối ở dưới đáy biển phát triển và thúc đẩy sự sống ở đó.
Vỏ hàu cũng là nơi cư ngụ của nhiều loài động vật không xương sống, cung cấp cho chúng tấm khiên tránh khỏi thời tiết và các loại động vật săn mồi. Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Maryland, một số loài phải phụ thuộc vào sự tồn tại của vỏ hàu để phát triển.
Luke Helmer, một nhà nghiên cứu của Đại học Portsmouth đang thực hiện công tác bảo tồn loài hàu, cho biết: “Loại sinh vật khiêm tốn này thực sự vĩ đại hơn rất nhiều, chứ không chỉ đơn thuần có cái vỏ như cục đá và chẳng biết di chuyển. Tầm quan trọng của chúng có thể so sánh với các rặng san hô, và thậm chí chúng còn nâng đỡ, cộng sinh với những loài sinh vật đặc biệt hơn trong thực tế.” Ông cũng tiết lộ, cá ngựa đã từng được tìm thấy ở ngoài khơi Scotland nhờ vào các lồng hàu.
Jacob Kean-Hammerson, điều phối viên dự án báo tồn quy mô lớn tại Solent, một vùng biển miền nam nước Anh, mô tả hàu như những “kỹ sư của hệ sinh thái”, có khả năng tạo nên sự sống mới ở những vùng sinh tồn của mình.
Chúng hoạt động như các rạn san hô, cung cấp môi trường sống an toàn cho các loài sinh vật khác như tôm, cá cơm và cá trích, từ đó lại thu hút càng nhiều loài sinh vật hơn.
Helmer khẳng định: “Môi trường biển ảnh hưởng tới tất cả các loài sinh vật sống (kể cả con người) trên hành tinh này và một đại dương khỏe mạnh tạo nên một hành tinh khỏe mạnh. Khí hậu, nguồn cung thực phẩm và sự sống còn của chúng ta đều phụ thuộc và liên kết với đại dương ở các dạng thức khác nhau.”