Vietucnews – Shark Linh khi còn là sinh viên, cô mơ ước một cuộc sống hoàn hảo chuẩn “giấc mơ Mỹ”. Thu nhập cao, mặc đồ đẹp, đi lên năm mươi mấy tầng để làm việc, đi về có xe rước… Nhưng cuộc sống 100% dành cho công việc ấy khiến cô đâm đầu vào công việc liên miên. Cô không còn biết cười, đến ngáp cũng không nổi vì quá mệt. Làm thế này có đáng không? Số tiền này có đáng không?…
Contents
- Ngày trở về Việt Nam
- Giấc mơ Mỹ, 7 đêm không ngủ và 1 sợi tóc bạc
- Công việc mơ ước tại ngân hàng lớn có thực sự tốt?
- Không ai có thể có mọi thứ cùng lúc ở giai đoạn quá sớm
- Quyết định từ bỏ công việc danh giá, trở về Việt Nam
- Yếu tố lớn nhất để cho mình không đạt được mục tiêu là không biết mục tiêu của mình là gì
Ngày trở về Việt Nam
“Tôi trở về thăm Việt Nam lần đầu năm 1993. Hồi đó, phương tiện đi lại vẫn còn là xe đạp. Khi đang học đại học, tôi có về Việt Nam lần nữa với tư cách là khách du lịch. Nhưng lúc bấy giờ, tôi vẫn còn quá trẻ để nhìn thấy những cơ hội ở đây. Nhất là khi bản thân đã quá đỗi quen thuộc với định nghĩa “giấc mơ Mỹ” – đó là khoác lên mình đồng phục chỉnh tề, làm việc trong những tòa nhà cao tầng và dần dần thăng tiến”. Shark Thái Vân Linh – Giám đốc Vingroup Ventures chia sẻ.
Giấc mơ Mỹ ấy sau đó cũng thành sự thật.
Giấc mơ Mỹ, 7 đêm không ngủ và 1 sợi tóc bạc
Tốt nghiệp Thạc sỹ ĐH Wharton (University of Pennsylvania) – Top 3 trường danh giá của Mỹ về lĩnh vực tài chính, cô sinh viên Thái Vân Linh đến lúc phải đi làm để trả nợ một khoản tiền không nhỏ trang trải học hành.
“Tôi đã phân tích ngành nào sẽ trả mình tiền lương cao nhất, trong lúc đó cũng cố gắng tìm coi có công việc nào làm ít mà tiền lương cao. Sau khi nghiên cứu nhiều thì phát hiện công việc ấy không tồn tại, muốn lương cao thì phải làm nhiều”.
“Bạn không thể ăn gian với cuộc đời. Mình muốn cái gì cũng phải bỏ công sức làm”, Shark Linh của chương trình Shark Tank Việt Nam chia sẻ trên chương trình Tôi chọn hạnh phúc
Cô tham gia phỏng vấn tuyển dụng và được nhận vào một ngân hàng lớn ở New York sau đó. Ngân hàng ấy đòi hỏi làm việc rất nhiều, và họ cũng thưởng rất nhiều.
Công việc mơ ước tại ngân hàng lớn có thực sự tốt?
Một cô sinh viên mới ra trường đi làm có xe đưa đón, ăn uống đều được hỗ trợ. Nhìn từ ngoài vào, đó là cuộc sống hoàn hảo.
“Linh mặc đồ đẹp, đi lên năm mấy tầng để đi làm việc, đi về có xe rước, đi ăn có người mua đồ cho. Dòm phía ngoài, sẽ thấy mình có cuộc sống rất “đã”. Nhưng thực sự công việc đòi hỏi rất nhiều”, Shark Linh kể.
Ngày ấy, ngân hàng này có một dự án khá quan trọng, mà thời gian để hoàn thành công việc rất ngắn. Trong tuần đó Shark Linh không ngủ, làm xuyên đêm đến 5h sáng mới trở về, để thay quần áo, vì ngoại hình trông vẫn phải OK để gặp khách. Sau đó, lại trở lại công ty.
“Khi về tới nhà, bạn cùng phòng chưa thức, khi tắm xong thì họ vừa thức, và khi họ ăn sáng thì Linh đã đi rồi. Tới ngày thứ 5, tôi đã quá mệt vì không ngủ. Tôi thấy trụ không nổi rồi. Khoảng 4h chiều thì trốn đi toilet, gục đầu ngủ luôn trong đó, mà phải để đồng hồ vì chỉ dám rời bàn khoảng nửa tiếng, sau đó trở về làm việc”.
“Cứ làm việc như vậy trong khoảng 1 tuần. Tới bước đó, quá mệt rồi. Tôi không biết cười, lúc đó không biết ngáp luôn vì thân quá mệt. Tôi không biết làm thế này có đáng không? Số tiền này có đáng không?”, Shark Linh tâm sự.
Không ai có thể có mọi thứ cùng lúc ở giai đoạn quá sớm
Thực sự mà nói, chỉ có những người có tiền mới dám nói “Tiền không thành vấn đề”. Trước đây, cô gái này cũng đâu có tiền đâu, nhà nghèo, còn phải vay nợ để học tập.
“Hồi trẻ, tôi rất ước mơ có được ngày hôm nay, được làm mức lương như vậy. Nhưng tôi của hôm nay nghĩ rằng nó không đáng. Bởi mình đang muốn hơn nữa, cái gì có hiệu quả lớn hơn… Một buối sáng đang chà răng, tôi thấy tóc bạc, sợi tóc bạc đầu tiên của đời mình”.
“Không được. Cơ thể mình đang nói “Không thể, đừng tiếp tục”. Mình đang làm những gì không quá ý nghĩa, và cơ thể mình đang phản đối. Lúc ấy, tôi quyết định phải tìm một cái gì khác”, Shark Linh kể.
Quyết định từ bỏ công việc danh giá, trở về Việt Nam
Nhìn sâu vào mong muốn của mình, cô gái trẻ khi ấy muốn giai đoạn sau phát triển bản thân, và cũng muốn có ảnh hưởng gì lớn tới cộng đồng.
“Ngay lúc đó, Linh suy nghĩ qua Việt Nam”, vị nữ cá mập chính duy nhất của 2 mùa Shark Tank Việt Nam tâm sự.
Trong network của cô có một bạn học chung, hiện đang làm cho một tập đoàn tài chính lớn ở Việt Nam. Trùng hợp là quỹ đầu tư mạo hiểm của tập đoàn đang tuyển một giám đốc đầu tư.
“Tôi nghĩ “Wow, cái này quá hợp”! Tôi vừa muốn làm trong lĩnh vực đầu tư tài chính, vừa muốn về Việt Nam. Công việc này khiến tôi nghĩ hình như có ai đang kêu tôi về Việt Nam”.
“Về Việt Nam đến nay là hơn 10 năm. Lúc đầu, tôi tính thử 2 năm khám phá cái gì mới rồi trở về Mỹ. Nhưng qua đây thấy cộng đồng quá sống động. Tôi thấy mình ở đây rất thú vị, mình có thể có ảnh hưởng tới cộng đồng, có thể giúp đỡ cộng đồng nhiều hơn”, Shark Linh kể.
Yếu tố lớn nhất để cho mình không đạt được mục tiêu là không biết mục tiêu của mình là gì
Sau khi tham dự Shark Tank Việt Nam với vai trò “cá mập nữ” chính duy nhất đại diện cho VinaCapital, Shark Linh là một trong những cái tên hot nhất sau hai mùa Shark Tank. Hiện fanpage Linh Thai của cô thu hút gần 500.000 lượt like.
Chia sẻ về yếu tố tạo nên thành công của cuộc đời mình, ngoài 2 chữ “Chăm chỉ”, Shark Linh cho rằng: Yếu tố lớn nhất để cho mình không đạt được mục tiêu là không biết mục tiêu của mình là gì.
“Có người chỉ sáng thức dậy đi làm, tối về coi truyền hình, hoặc đi nhậu với bạn. Mục tiêu trong cuộc sống của họ là gì họ cũng không biết. Họ không biết mình muốn gì, chỉ biết muốn sung sướng, nhưng định nghĩa sung sướng là gì?”.
“Nghĩ ra, một người chỉ sáng đi làm chiều về đi nhậu thì quá sung sướng rồi. Bởi như tôi, cũng không có thời gian, muốn đi gặp bạn cũng không được”, Shark Linh nhìn nhận.
Và cô cho rằng không thể có mọi thứ cùng lúc ở một giai đoạn quá sớm. Có thể ngày nào đó mình sẽ đạt được điều này, nhưng cùng một lúc có mọi thứ thì khó.
“Vậy mình phải sắp xếp thứ tự cái nào quan trọng nhất làm trước, cái nào ít quan trọng hơn thì làm dần dần. Thì từ từ, trong một giai đoạn xa mình sẽ đạt được hết”, Shark Linh đúc kết.
Nguồn: cafebiz.vn
- Quảng cáo burger ‘hương vị Việt’ của Burger King bị ném đá vì kỳ thị chủng tộc
- Người đồng tính Brunei đào tẩu vì sợ bị ném đá đến chết
- Chính sách hạn chế nhập cư mới của Úc gây nhiều tranh cãi