Khói mù ở Úc: Nên chọn loại khẩu trang nào khi ra đường?

0
722

Vietucnews – Trước tình trạng khói mù giăng khắp bầu trời thành phố như hiện nay, người dân Úc chỉ còn cách trông cậy vào khẩu trang và mặt nạ phòng độc để tránh hít phải bụi mịn lượn lờ trong không khí mỗi khi ra ngoài.

Người dân Úc đang chật vật tập quen với màn sương mù mịt bao phủ bầu trời mỗi sớm. Cháy rừng đã khiến khói mù giăng đầy thành phố Sydney, cũng biến Brisbane thành nơi có không khí ô nhiễm hơn cả Bắc Kinh. Suốt nhiều tuần nay, người dân vùng ngoại ô và nông thôn đã phải sống chung cùng khói bụi độc hại, có nguy cơ gây bệnh đường hô hấp và nhiều hệ lụy khó chịu khác.

Khói mù sẽ kích thích hệ hô hấp, đồng thời chứa các hạt mịn có thể tiến sâu vào phổi, tổn hại rất lớn đến sức khỏe. Mặc dù hầu hết những người khỏe mạnh có thể chịu đựng việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong thời gian ngắn, song bụi mịn sẽ khiến tình trạng bệnh lý liên quan đến tim – phổi trở nên trầm trọng hơn.

Trước tình hình đó, cách tốt nhất để tránh tổn hại sức khỏe chính là đóng cửa, ở yên trong nhà. Nhưng nếu bạn có việc bắt buộc phải ra ngoài thì sao? Trong trường hợp này, có lẽ khẩu trang là biện pháp bảo vệ được nhiều người lựa chọn. Song nó có thực sự khả thi?

Chỉ có duy nhất một loại khẩu trang hữu dụng

“Theo nhận định từ cơ quan y tế cộng đồng, so với những phương pháp khác, khẩu trang là biện pháp tránh bụi không mấy hiệu quả,” trích lời Tiến sĩ Fay Johnston từ Viện nghiên cứu y khoa Menzies của Đại học Tasmania. “Hiện tại, loại khẩu trang duy nhất có tác dụng bảo vệ bạn khỏi bụi mịn chính là P2. Chúng có thể lọc được chất ô nhiễm trong không khí tốt hơn những mẫu còn lại.”

Khẩu trang P2 có khả năng lọc bụi mịn tốt hơn các loại khác.

Trang bị bảo vệ đường hô hấp – chẳng hạn như khẩu trang chống bụi và mặt nạ phòng độc mà các nhà thầu hoặc kỹ sư hay dùng – được xếp loại dựa trên ưu điểm lọc tạp chất. Khẩu trang P1 có thể bảo vệ chủ nhân khỏi một phần chất ô nhiễm, trong khi P2 vượt trội hơn hẳn về khả năng lọc bỏ hạt bụi.

Bạn có thể tìm mua loại khẩu trang này tại các cửa hàng bán vật dụng sửa chữa (hardware store), song phải đảm bảo chúng ôm sát gương mặt. “Khẩu trang chỉ hoạt động tốt khi nó che kín mặt bạn. Vì thế, nếu bạn để râu hoặc điều chỉnh qua loa khiến khẩu trang bị hở, không ôm vào mặt thì hiệu quả phòng chống bụi cũng mất,” Tiến sĩ Johnston nói.

Khẩu trang vải hay khẩu trang y tế thì sao?

Dù có thể ngăn chặn aerosol và giọt nước, cũng có nghĩa là giảm bớt nguy cơ truyền nhiễm, nhưng khẩu trang vải hay khẩu trang y tế bằng giấy đều không đủ sức ngăn hạt bụi mịn đi vào cơ thể chúng ta.

Giáo sư Sotiris Vardoulakis tại Đại học Quốc gia Úc cũng đồng ý với nhận định này. “Hai loại khẩu trang trên không có chức năng lọc bỏ bụi mịn, cũng không ôm sát khuôn mặt mà để lại rất nhiều khoảng trống,” ông nói.

Khẩu trang vải và khẩu trang y tế không thể giúp bạn tránh khỏi tác hại của ô nhiễm không khí như hiện nay.

Trong một nghiên cứu được nước Anh công bố vào năm ngoái, dù đã dùng khẩu trang nhưng người dân Bắc Kinh vẫn không được bảo vệ hiệu quả trước tình trạng không khí ô nhiễm ở nơi mình sống. “Ngay cả khẩu trang được thiết kế với bộ lọc bụi mịn cũng chưa chắc mang đến kết quả khả quan,” tác giả của báo cáo viết. Nguyên nhân của tình trạng này được cho là vì loại khẩu trang họ đeo thường rất lỏng lẻo và hay xê dịch khỏi vị trí ban đầu, không được cố định hay vừa khít gương mặt chủ nhân.

Còn cách nào để tránh tác hại của bụi mịn không?

Máy lọc không khí đặt trong nhà sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ hít phải bụi mịn. Song, Tiến sĩ Johnston khuyên mọi người nên xem xét kỹ thông số kỹ thuật của máy trước khi quyết định rút hầu bao.

“Bạn cần kiểm tra xem máy có bộ lọc HEPA không, bởi một số dòng máy trên thị trường không có chức năng này, đồng nghĩa với việc không lọc được hạt bụi mịn. Muốn biết chiếc máy mình định mua có bộ lọc HEPA hay không, bạn có thể xem thông số trên hộp,” ông đề nghị.

Tranh thủ lúc không khí đang sạch để mở cửa thông gió cũng là một ý hay, giúp xua bớt lượng không khí tù túng vẫn luôn tích tụ trong nhà. Thế nhưng, Giáo sư Vardoulakis khuyến cáo khi chất lượng không khí bên ngoài không đảm bảo, đóng chặt cửa và ở trong nhà vẫn là lựa chọn tối ưu.

“Tôi cho rằng nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là giảm thiểu khả năng phơi nhiễm với bụi mịn. Vào những ngày không khí ô nhiễm nhiều, người dân tốt nhất nên ở trong nhà, hạn chế ra đường, nhất là những người có thể trạng yếu,” ông nói. “Đối với những bệnh nhân đã mắc bệnh từ trước, cần phải nghiêm túc nghe theo hướng dẫn của y bác sĩ, uống thuốc đúng giờ, đúng liều lượng, mang theo ống hít và đừng ra ngoài tản bộ.”

Ngay cả khi bạn hoàn toàn khỏe mạnh, vẫn nên tuân thủ hướng dẫn này. Tuyệt đối đừng ra ngoài vận động nếu bạn thấy khói mù lượn lờ trong không khí.

Nguồn: ABC

Tải app Úc Ơi / VietUcNews / Cộng Đồng Người Việt tại đây nha các bạn http://onelink.to/suwtvz