Melbourne gây tranh cãi vì bị chỉ trích ‘phát triển kém Sydney tận 10 năm’

0
182
Theo nhận xét của cư dân bản xứ, có một vài điểm Melbourne còn kém khá xa so với "người anh em" Sydney.

Vietucnews – Tuy cực kỳ yêu thành phố xinh đẹp mà mình đang sinh sống, song cư dân Melbourne vẫn thẳng thừng chê tốc độ phát triển của cơ sở hạ tầng nơi này “thua xa Sydney tận 10 năm”.

Nổi danh là một trong những thành phố “ăn chơi” lý tưởng nhất nước Úc, bạn có thể dễ dàng tìm được một chốn dừng chân cực hay ho cho mình giữa muôn vàn quán bar, cà phê hay nhà hàng độc đáo tại đây. Thế nhưng, theo nhận xét của cư dân bản xứ, có một vài điểm Melbourne còn kém khá xa so với “người anh em” Sydney.

Không nói đâu xa, một trong những cư dân gắn bó nhiều năm với thành phố này – Bộ trưởng Dân số và Hạ tầng đô thị Alan Tudge – là người đã đưa ra nhận định trên. Phát biểu tại hội nghị SMH Population Summit, ông nhấn mạnh rằng Sydney đã đi trước Melbourne một quãng khá xa về mảng đường sắt và giao thông đường bộ.

Nhiều công trình còn dở dang, không bắt kịp tiến độ dự kiến sẽ dựng nên rào cản cho Melbourne trong việc ứng phó với tình trạng dân số gia tăng liên tục. Thành phố này luôn lọt top những địa điểm có tốc độ tăng dân số nhanh nhất cả nước.

Bộ trưởng Dân số và Hạ tầng đô thị Alan Tudge cho rằng Melbourne còn phải đi một đoạn đường dài nếu muốn bắt kịp Sydney.

Một diễn giả khác trong sự kiện lại thẳng thừng nhận xét rằng Sydney đang “vượt mặt” Melbourne khoảng 1 – 2 chu kỳ kinh tế. Và trong lúc thủ phủ Victoria còn đang loay hoay tìm cách ổn định tình trạng “nghẽn mạch” ở khu trung tâm, thành phố bang NSW đã đạt nhiều thành tựu đáng kể trong nỗ lực phân bố dân cư và giảm ùn tắc.

Tuy vậy, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng bang Victoria lại phản bác ý kiến này, đồng thời lên án ông Tudge chỉ tập trung vào những bề nổi tiêu cực của vấn đề mà quên mất rằng chính phủ đang hành động để cải thiện mạng lưới giao thông.

Sydney đang dẫn trước

Hiện tại, dân số Sydney đang dừng ở mức 5.2 triệu người, chỉ hơn Melbourne 250,000 nhân khẩu. Thế nhưng, tốc độ tăng trưởng dân số của thủ phủ bang NSW là 1.8%, trong khi ở Melbourne, con số này đã chạm ngưỡng 2.2% từ lâu.

Cả hai thành phố đều là điểm dừng chân lý tưởng của dân nhập cư. Tuy nhiên, lý do khiến tốc độ gia tăng dân số ở Melbourne còn cao hơn Sydney còn có sự đóng góp của cư dân bản địa. Có nhiều người dân Úc sẵn sàng dọn nhà đến thành phố náo nhiệt này để tìm kiếm cơ hội mới cho mình, dẫn đến việc nhân khẩu tăng thêm đáng kể. Cứ theo đà phát triển trên, đến giữa năm 2030, Melbourne rất có khả năng “soán ngôi” Sydney để trở thành thành phố đông dân nhất nước Úc.

Đồng thời, cả hai đô thị đều đang nỗ lực thực hiện một cuộc “cách mạng” về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng Sydney đang dẫn trước trong cuộc đua này với kế hoạch xúc tiến xây dựng đường cao tốc West Connex, đường sắt Sydney Metro và đường ray xe điện Sydney CBD để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Ngoài ra, còn nhiều dự án đường giao thông khác đang được thi công theo đúng kế hoạch đã đề xuất.

Thử nghiệm tàu điện ở trung tâm Sydney.

“Tốc độ tăng dân số lên đến 1.6%/năm ở Úc khiến cho nhiệm vụ bảo đảm chất lượng cuộc sống trở nên nan giải hơn, nhất là khi việc cấp phép xây dựng công trình, cơ sở vật chất và dịch vụ không theo kịp sự tăng trưởng chóng mặt đó. Vấn đề này đã diễn ra trong 1 hoặc 2 thập kỷ qua ở Sydney và Melbourne. Phía đông nam Queensland cũng xảy ra tình trạng tương tự, nhưng mức độ không nghiêm trọng bằng,” ông Tudge nói.

“Hiện tại, cơ sở hạ tầng ở Sydney đang dần đuổi kịp tốc độ tăng dân số nhờ khoản đầu tư khổng lồ mà chính phủ liên bang cấp cho NSW. Nhiều dự án đang trong quá trình thực thi hoặc thương thảo kế hoạch xây dựng sẽ thay đổi diện mạo của thành phố này.”

Ông tiếp tục: “Thế nhưng, tại Melbourne quê hương tôi, một số cơ sở vật chất còn kém hiện đại hơn Sydney tận 10 năm. Do đó, đường cao tốc của chúng tôi không còn được như xưa, tàu thì thường xuyên bị hỏng và việc xây dựng công trình không phải lúc nào cũng đáp ứng nhu cầu của dân số ngày một tăng cao.”

Trong cùng một sự kiện, Chris McNeill – giám đốc phụ trách mảng kinh tế của công ty tư vấn thiết kế đô thị Ethos Urban – cũng cho rằng Sydney đang phát triển hơn Melbourne một bậc.

Melbourne vẫn thường xuyên bị ùn tắc giao thông vì lượng người tập trung ở khu CBD quá lớn.

“Dù Melbourne vẫn luôn chiếm vị trí tuyệt đối trong tôi, song khi chứng kiến mạng lưới cơ sở hạ tầng ở Sydney, tôi thừa nhận bản thân phải nghiêng mình thán phục,” ông nói. “Hệ thống đường sắt tân tiến ở Sydney xuất hiện với tần suất dày hơn hẳn so với Melbourne. Tôi phải cố gắng rất nhiều mới theo kịp nhịp điệu ‘lột xác’ thần kỳ của thành phố này. Sự phát triển của Melbourne có vẻ còn thua Sydney đến 1 – 2 chu kỳ kinh tế.”

Những tiến bộ vượt bậc này có được nhờ việc phân bố dân cư khắp 3 khu vực quan trọng: một thành phố ven biển dựa trên nền tảng phát triển sẵn có của khu CBD, một thành thị lấy Parramatta làm trung tâm, một đô thị phía tây quy tụ nhiều khu vực như Penrith, Liverpool và sân bay Western Sydney mới xây dựng.

Với sự phân chia này, người dân Sydney có thể yên tâm sinh sống và làm việc ở các vùng ngoại ô mà không lo thiếu hụt cơ sở vật chất hay phương tiện đi lại.

Tuy nhiên, thủ phủ Victoria vẫn đang nỗ lực cải thiện hệ thống đường sắt.

“Melbourne cần phải học hỏi Sydney về chiến lược cải thiện tỷ lệ người dân có việc làm và giảm bớt mức độ tập trung quanh các chốt giao thông quan trọng. Thành phố của tôi vẫn phải chịu đựng tình trạng cư dân dồn về những vị trí đắc địa, bởi không có nơi nào giống như Parramatta ở Sydney. Khu vực này mang nhiều đặc điểm hiếm gặp, đại diện cho những cải tiến đáng kể trong việc quy hoạch đô thị ở Úc,” ông nhận định.

“Bề nổi của tảng băng”

Tuy có phần tụt hậu so với Sydney, song cơ sở hạ tầng ở Melbourne chưa xuống cấp đến mức phải chịu quá nhiều chỉ trích. Chính phủ đã đầu tư 11 tỷ đô la để xây dựng đường hầm Melbourne Metro cho tàu điện xuyên qua khu trung tâm, dự kiến hoàn thành trong vòng 6 năm tới.

Ngoài ra, kế hoạch thi công đường sắt dẫn đến sân bay Melbourne và một tuyến đường sắt phục vụ hành khách ngoại ô sẽ xóa bỏ tình trạng đông người chen chúc vào giờ cao điểm, từ đó giúp giảm thiểu nạn ùn tắc ở trung tâm thành phố. Trong khi đó, chính phủ liên bang cũng đang tiến hành xây dựng một tuyến đường sắt nối liền Melbourne và Geelong.

Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Jacinta Allan đã lên án quan điểm của ông Tudge: “Ông ấy chỉ tập trung vào việc chỉ trích mặt tiêu cực của vấn đề mà bỏ lỡ những bước tiến đáng kể trong quá trình phát triển của chính quê hương mình.”

“Ông dường như đã quên việc tháo dỡ 29 điểm giao cắt nguy hiểm, cải thiện lộ trình cho tuyến tàu Mernda, công trình ở Hoddle St, Yan Yean Road, Chandler Highway, Thompson’s Road và nhiều địa điểm khác trong thành phố,” bà tiếp tục.

Đường hầm Metro Tunnel đang trong giai đoạn thi công.

“Dự án đường hầm Metro Tunnel, North East Link, West Gate Tunnel là những công trình tiêu tốn hàng tỷ đô la mà chúng tôi đang xúc tiến xây dựng. Cải tiến cơ sở hạ tầng có tầm quan trọng lớn hơn nhiều so với việc bắt bẻ nhau trên chính trường – đó là điều kiện tiên quyết để đưa thủ phủ nói riêng và toàn tiểu bang nói chung tiến về phía trước. Chúng tôi mong muốn được tiếp tục các cuộc trò chuyện mang tính xây dựng với Thủ tướng và Phó Thủ tướng và phối hợp cùng nhau để hoàn thành nhiệm vụ này,” bà nhấn mạnh.

Theo bảng xếp hạng thành phố đáng sống nhất thế giới của The Economist, Melbourne đã giữ vị trí thứ 2 trong vài năm gần đây. Trong khi đó, ở bảng xếp hạng năm nay, Sydney lại “lội ngược dòng” ngoạn mục từ hạng 5 lên top 3, bám sát thủ phủ Victoria.

Nguồn: news.com.au

Tải app Úc Ơi / VietUcNews / Cộng Đồng Người Việt tại đây nha các bạn http://onelink.to/suwtvz