Queensland: Chàng trai trẻ kiếm đủ tiền đặt cọc mua nhà nhờ bán đồ chơi!

0
860
Josh Mangleson và vợ anh đã gom đủ tiền đặt cọc mua nhà.

Vietucnews – Giống như đa số các cậu nhóc khác, thú vui lớn nhất trong tuổi thơ của Josh Mangleson chính là thu thập thật nhiều Lego.

Thuở ấy, cậu bé ham chơi không ngờ rằng những “viên gạch” nhựa xây nên ngôi nhà đồ chơi của mình sẽ nhanh chóng được “hóa phép” thành gạch thật 100%!

“Khi tôi nói rằng đã gom đủ tiền đặt cọc mua nhà nhờ Lego, hầu hết mọi người đều trợn tròn mắt ra chiều khó tin lắm,” chàng trai 25 tuổi hài hước chia sẻ.

Lúc mới bắt đầu sưu tập Lego, Josh Mangleson chưa từng nghĩ có một ngày những món đồ chơi nhỏ bé trong tay mình có thể đáng giá nhiều tiền đến thế. Nhưng rồi trong một buổi lướt web để “săn” Lego mới, cậu nhóc Josh phát hiện có rất nhiều người “đỏ mắt” tìm kiếm những mẫu mình đang sở hữu với giá cao, nhất là khi chúng được giữ gìn cẩn thận.

“Thuở còn là học sinh trung học, chưa tìm được việc làm, tôi luôn cố nghĩ cách kiếm tiền để mua thêm Lego mới. Khi đang tìm mua chúng trên mạng, tôi vô tình trông thấy vài bộ Lego cũ mình sở hữu được bày bán và gần như ‘hóa đá’ vì mức giá cao ngất của chúng. Sau đó, tôi chợt nghĩ tại sao không tận dụng những đồ chơi này để làm một khoản đầu tư?”

“Tôi khá chú trọng sự hoàn hảo, thế nên những bộ Lego luôn được gìn giữ kỹ càng, với đầy đủ bộ phận, hướng dẫn sử dụng và cả hộp đựng nữa. Suốt mấy năm qua, tôi đã tích lũy được một số lượng Lego khá lớn trong bộ sưu tập của mình, đặc biệt là các mẫu thuộc chủ đề Chiến tranh giữa các vì sao.”

Một góc bộ sưu tập “khủng” của anh.

Nhưng mãi đến khi Mangleson lên đại học, anh mới biết mình đang ngồi trên một mỏ vàng thực thụ.

“Tôi chỉ bắt đầu tìm hiểu và tham gia đầu tư sau khi lên năm nhất đại học vào năm 2016 để học chuyên ngành Kinh tế học Bất động sản. Ở trường, chúng tôi được học về nhiều loại hình đầu tư khác nhau. Điều này giúp tôi tự tin hơn khi bắt tay vào việc.”

Chàng thanh niên bắt đầu dùng công cụ trực tuyến trên website Brickpicker để so sánh các mẫu Lego mình đang có. Cũng chính tại đây, anh đã đặt bước chân đầu tiên lên con đường kiếm tiền nhờ Lego.

Đến khoảng giữa năm 2016, Mangleson gần như trút hết vốn liếng của mình vào Lego. “Suốt một năm sau đó, hễ có tiền là tôi mua Lego thôi,” anh nói.

“Lúc thấy tôi đổ hàng nghìn đô la vào Lego rồi lái chiếc xe chật ních các bộ đồ chơi về nhà, ba mẹ tôi chắc nghĩ tôi bị điên mất rồi. Nhưng kể từ khi biết được kế hoạch sinh lời đằng sau bộ sưu tập Lego đó, họ đã ủng hộ và khích lệ tôi rất nhiều.”

Đây là những mẫu Lego quý nhất của anh.

Trước khi vung sạch tiền tiết kiệm nhiều năm vào Lego, Mangleson đã vạch ra một chiến lược mua hàng hợp lý.

“Đầu tiên, phải mua bộ đang được giảm giá nhiều,” anh nói.

“Thứ hai, hãy nhắm vào những bộ sắp không được ‘lên kệ’ nữa, thường là các mẫu ra mắt chừng 2 năm, nhưng cũng tùy tình hình thực tế thôi. Và cuối cùng, phải tìm hiểu thị hiếu của khách hàng, xác định được mẫu nào sẽ được săn lùng, mẫu nào sẽ càng khan hiếm. Nghiên cứu kỹ về thị trường chính là chìa khóa thành công, dĩ nhiên, trước đó phải dựa trên nền tảng bộ sưu tập đa dạng của tôi suốt nhiều năm qua.”

Khoản tiền lời nhanh chóng đến với anh sau 7 ngày.

“Tôi chọn mua một bộ trong mô hình nhân vật Simpsons Series 1 trên Cash Converters với giá chưa đầy 50 đô la. Một tuần sau, tôi bán nó đi và thu về 150 đô.”

Qua ghi nhận từ “ông lớn” mua sắm online eBay, thị trường Lego tại Úc đang hết sức sôi động. Tháng trước, eBay tiết lộ mỗi giây trôi qua, có cực nhiều bộ Lego được khách hàng chọn mua trên web. Thành tích đáng nể này đã tăng 89% so với mặt bằng chung nhờ sự bùng nổ của show thực tế Lego Masters từ đài Nine.

“Một số bộ phận riêng lẻ và mô hình nhân vật cực kỳ khó ‘săn’ được,” Mangleson giải thích. “Tôi từng bán duy nhất một chiếc đĩa vệ tinh với giá 120 đô la. Vài mô hình nhân vật riêng biệt tôi từng sở hữu cũng có giá hơn 500 đô/cái rồi.”

Mangleson có lẽ sẽ “giải nghệ” vì anh không nỡ tiếp tục bán Lego.

Chỉ trong vòng 12 tháng qua, đã có hơn 400,000 bộ Lego được bán ra trên eBay, đạt doanh số khoảng 21 triệu đô la. Trong số đó, không thể thiếu phần của chàng trai trẻ Mangleson.

Sau khi tậu các bộ Lego về được 18 tháng, anh nhận thấy lợi nhuận trung bình có thể tăng đến hơn 40% (tương đương với mức tăng 25% so với giá niêm yết chính thức của hãng).

Anh đã tiễn 75% số Lego của mình về tay chủ mới trong năm 2018, không chỉ trên eBay mà còn cả các thị trường mua bán miễn phí và không kém phần sôi nổi khác, ví dụ như Gumtree và Facebook – đặc biệt là những nhóm trên Facebook dành cho dân “cuồng” Lego.

“Tôi đã bán xấp xỉ 120 bộ Lego mình mua về để đầu tư, và chừng đó trong bộ sưu tập cá nhân nữa, tổng cộng khoảng 250 bộ tất cả,” anh nói. “Gần như toàn bộ số Lego tôi sưu tập đã về nhà chủ mới hết rồi, lợi nhuận rất khả quan. Tôi không còn giữ hóa đơn mua bán gì cả, song có thể ước tính số tiền mình thu được nhiều hơn gấp đôi số vốn ban đầu.”

Josh Mangleson và vợ anh đã gom đủ tiền đặt cọc mua nhà.

Chàng trai trẻ đã kiếm được tổng cộng hơn 20,000 đô la sau kế hoạch này.

Cộng với khoản tài trợ 15,000 đô đến từ chính phủ Queensland cho người mới mua nhà lần đầu, vợ chồng Mangleson đã mua được căn nhà cho riêng họ – điều mà đa phần người trẻ tuổi ở Úc phải “bó tay”.

“May mắn là vợ cực kỳ tin tưởng khả năng quản lý tài chính của tôi, nên cô ấy rất vui vẻ ủng hộ việc tôi kiếm tiền,” anh hóm hỉnh cho hay.

“Có đôi khi tiền tiết kiệm của tôi toàn bộ về 0 do đã chuyển hết thành tiền vốn mua Lego, chúng tôi cũng không tỏ vẻ cuống quýt.”

May mắn thay, Mangleson vẫn giữ hai bộ Lego quý giá nhất của anh để chờ thời điểm bán ra tốt nhất: “Một là siêu phẩm phi thuyền Millennium Falcon 75192, còn lại là hành tinh Death Star 10188,” anh cho biết. Chỉ tính riêng Falcon đã có mức giá 1700 đô (giá thực tế còn tùy thuộc điều kiện và độ mới của sản phẩm).

“Chúng sẽ không ‘lên sàn’ sớm đâu.”

Nguồn: news.com.au