Tây Úc: Dịch sởi rục rịch hoành hành, 5 ca bệnh đã được phát hiện

0

Vietucnews – Mới đây, cơ quan y tế đã nhận được báo cáo về 5 trường hợp mắc bệnh sởi ở Rockingham, phía nam thành phố Perth (Tây Úc).

Những người có khả năng nhiễm bệnh sẽ được cơ quan y tế công cộng cung cấp thông tin để kịp thời dùng thuốc hoặc tiêm chủng. Tuy nhiên, đối với nhóm đối tượng đã từng tiếp xúc với nhiều người trên diện rộng, ví dụ như trong đám đông, các bác sĩ không thể xác định khả năng mắc bệnh của họ.

Theo thông tin từ bác sĩ Paul Effler, giám đốc Tổng cục kiểm soát bệnh truyền nhiễm, bệnh sởi do một loại virus sống trong chất nhầy mũi và cổ họng của người bệnh gây ra. Người bình thường rất dễ bị sởi qua việc tiếp xúc với bệnh nhân trong lúc họ ho hoặc hắt hơi.

“Mỗi một ca bệnh sởi đều là trường hợp khẩn cấp, bởi đây là chứng bệnh rất dễ lây lan khắp cộng đồng dân cư,” bác sĩ Effler nói. “Nhờ chương trình tiêm chủng phổ biến mà căn bệnh này đã biến mất khỏi Tây Úc trong suốt 20 năm. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có vài trận dịch nhỏ xảy ra do du khách hoặc cư dân Tây Úc bị lây nhiễm khi ở nước ngoài.”

Nhờ nghiêm túc thực hiện việc tiêm phòng mà Tây Úc đã tránh thoát sự lây lan của dịch sởi suốt nhiều năm.

Quá trình ủ bệnh của người nhiễm virus sởi thường kéo dài khoảng 10 ngày. Các dấu hiệu ban đầu của bệnh bao gồm sốt, ho, sổ mũi và đau mắt. Đến 3 – 4 ngày sau, bệnh nhân sẽ nổi mẩn đỏ từ vùng sau tai, gáy, trán, mặt, cổ, dần lan đến thân mình và tứ chi.

Bác sĩ Effler đề nghị những ai có các triệu chứng nêu trên, kể cả khi mới chỉ phát sốt, đều nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chữa trị kịp thời.

Dịch sởi bùng phát

Nhóm thanh thiếu niên và người trưởng thành chưa được tiêm phòng có nguy cơ khiến dịch bệnh lan rộng hơn trong cộng đồng, bởi đây là những người có sức đề kháng yếu với virus sởi. Bệnh sởi đang ngày một mở rộng phạm vi ảnh hưởng trên toàn cầu, theo báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số người mắc chứng bệnh này trong năm 2019 đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ tháng 1 đến tháng 3, WHO đã nhận được báo cáo về 112.000 ca bệnh sởi đến từ 170 quốc gia.

Vì sao bệnh sởi quay trở lại?

Dù nước Úc gần như đã diệt sạch nguy cơ bùng phát dịch sởi trong quốc nội từ năm 2014, song căn bệnh này vẫn hoành hành ở nước ngoài, dẫn đến nhiều người dân vô tình bị lây nhiễm và mang mầm bệnh trở về nước.

TIN TỨC TỪ 9NEWS

Với tỷ lệ tiêm phòng cao, người dân Úc có thể yên tâm về hệ thống miễn dịch mà cơ thể được trang bị để chống lại loại virus nguy hiểm này. Hiện tại, đối tượng chủ yếu được tập trung tiêm ngừa là trẻ sơ sinh và các bé lớn tuổi hơn một chút. Tuy nhiên, theo Raina MacIntyre – giáo sư bộ môn Dịch tễ học Bệnh truyền nhiễm tại Đại học NSW, cơ quan y tế vẫn nên chú ý đến việc tiêm chủng cho người dân thuộc các nhóm tuổi khác để tránh xảy ra sơ sót.

Những điều cần biết về vaccine sởi

Để đảm bảo giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, bạn cần 2 mũi vaccine sởi – quai bị – rubella. Thông thường, trẻ em từ 12 đến 18 tháng tuổi là đối tượng được tiêm phòng đầy đủ nhất.

Trước đó, mãi đến thập niên 90 thì cơ quan y tế mới phổ biến việc tiêm đủ 2 liều vaccine cho người dân. Chính phủ đã giới thiệu chính sách tiêm ngừa đầy đủ tại các trường học trên cả nước kể từ năm 1992, tuy nhiên, một số người sinh ra trước thời điểm đó có thể đã bỏ lỡ thông báo quan trọng này. Khi ấy, tỷ lệ người dân chỉ được tiêm 1 mũi vaccine hoặc thậm chí không hề tiêm phòng cao hơn nhiều so với hiện tại.

Triệu chứng bệnh sởi là gì?

Những ngày đầu tiên, bệnh nhân sẽ bị sốt, đau mắt và ho. Sau 3 – 4 ngày, cơ thể họ bắt đầu phát ban đỏ, nổi cộm trên bề mặt da. Virus sởi rất dễ lây lan qua đường hô hấp trong quá trình người bệnh ho và hắt hơi.

Ngày thứ 3 – 4 sau khi phát sốt, bệnh nhân sẽ dần phát ban khắp người.

Giáo sư MacIntyre cho biết: “Virus sởi trú ngụ trong dịch nhầy mũi và cổ họng của bệnh nhân, sau đó lây sang nạn nhân mới qua đường không khí. Đây là một trong những căn bệnh truyền nhiễm mà ta có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Tuy nhiên, phải chú ý rằng bệnh này có khả năng lây lan mạnh hơn nhiều so với đậu mùa.”

Môi trường lây lan của virus sởi chủ yếu là ở bệnh viện, khi những người xa quê hoặc du khách bị nhiễm bệnh đến gặp bác sĩ để thăm khám. “Chúng tôi gặp quá nhiều tình huống tương tự rồi. Có nhiều người rất chủ quan và không hề quan tâm đến việc phòng ngừa nhiễm bệnh khi đi du lịch tại châu Á, châu Âu hay Mỹ, mặc cho đó là nơi dịch sởi đang hoành hành,” MacIntyre nói. “Sau đó, những người này về nước và phát hiện mình bị lây nhiễm, đành phải ngồi trong phòng bệnh suốt 3 – 4 tiếng đồng hồ vì phát ban và sốt cao. Chính vào lúc đó, những người còn lại trong khoa cấp cứu đã có khả năng bị nhiễm virus sởi từ họ.”

Nguồn: 9News

Tải app Úc Ơi / VietUcNews / Cộng Đồng Người Việt tại đây nha các bạn http://onelink.to/suwtvz