Thời hoàng kim của bãi biển nước Úc sắp lụi tàn vì biến đổi khí hậu?

0
197

Vietucnews – Theo báo cáo của các chuyên gia khí hậu từ Liên Hiệp Quốc, hiện tượng nóng lên toàn cầu đang là mối nguy cực lớn với sự tồn tại của các bãi biển ở Úc, cũng như ngành công nghiệp du lịch và chế biến hải sản.

Nhóm chuyên gia cũng dự đoán rằng người Úc sẽ sớm phải xây tường ngăn cách để sóng lớn không có cơ hội tràn vào và cuốn trôi nhà cửa. Nếu không làm thế, họ phải dứt khoát chuyển nhà đi chỗ khác.

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) cho biết mực nước biển đang tăng với tốc độ đáng quan ngại bởi băng tuyết đang dần tan đi, tính acid trong nước biển ngày càng cao, nồng độ oxy ngày một thấp.

Nếu chính phủ vẫn không có động thái giảm bớt phát thải khí nhà kính toàn cầu, đến cuối thế kỷ này, mực nước biển dự kiến sẽ tăng thêm 90 cm. Không chỉ vậy, lượng cá trong biển sẽ giảm mạnh, các cơn bão nhiệt đới càng được thể hoành hành. Lũ lụt nặng nề ở các khu vực ven biển cũng khiến người dân rơi vào cảnh chật vật, một số hòn đảo có khả năng không còn trú ngụ được nữa.

Nước biển đang ngày một dâng cao.

Nerilie Abram – đồng tác giả của báo cáo và học giả nghiên cứu khí hậu tại Đại học Quốc gia Úc – cho biết từ năm 2050 trở đi, nước này có thể sẽ phải gánh chịu ít nhất một trận lũ mỗi năm. Hiện tượng lũ lụt càn quét liên tiếp như thế rất hiếm khi xảy ra trong lịch sử nước Úc. “Giờ đây, có lẽ chính phủ nên ưu tiên tập cho cộng đồng dân cư ven biển quen với cuộc sống khi mực nước biển dâng cao, để kịp thời ứng phó khi xảy ra sự cố. Chúng ta có thể xây tường ngăn cách hoặc di dời người dân đến chỗ khác. Việc này cũng giúp bảo vệ các rạn san hô và rừng cây, vốn là rào chắn tự nhiên cho khu vực ven biển” – bà nói.

Michael Oppenheimer, tác giả còn lại của báo cáo kiêm giáo sư khoa học địa chất và các vấn đề quốc tế tại Đại học Princeton, cho rằng tình trạng nước biển dâng cao sẽ khiến cả thế giới phải đau đầu. “Thay đổi diễn ra quá nhanh” – ông nhận định.

Những tác động tiêu cực của hiện tượng này sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc sống trên đất liền lẫn dưới biển sâu. Cụ thể, nó gây hại cho các loài động thực vật, đồng thời khiến con người vất vả đối phó với nhiều vấn đề phát sinh về thực phẩm, xã hội, cơ sở hạ tầng và nền kinh tế toàn cầu.

Con người sẽ phải vất vả đối phó với nhiều vấn đề phát sinh về thực phẩm, xã hội, cơ sở hạ tầng và nền kinh tế toàn cầu.

Các đại dương hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa từ ô nhiễm carbon trong không khí, cũng như phần lớn lượng khí CO2. Tuyết và băng giá hình thành nên băng quyển cũng đang tan dần với tốc độ chóng mặt. Ko Barrett, phó chủ tịch của IPCC, cho biết: “Các đại dương và băng quyển trên trái đất đã phải chịu đựng sự biến đổi khí hậu suốt nhiều thập kỷ qua. Hiện tượng này sẽ gây nên hậu quả nghiêm trọng cho cả con người lẫn môi trường tự nhiên.”

Chuyên gia nghiên cứu của IPCC nói gì?

Mực nước biển hiện đang dâng cao ở mức 3.66 mm mỗi năm, nhanh gấp 2.5 lần tốc độ tăng trong giai đoạn 1900 – 1990. Lớp nước trên cùng của đại dương đã mất đi 1 – 3% lượng oxy từ năm 1970 đến nay, và sẽ còn hao hụt nếu hiện tượng nóng lên tiếp diễn.

Từ năm 2006 đến 2015, băng ở Greenland, Nam Cực và nhiều con sông băng trên thế giới đang tan chảy ngày một nhanh hơn. Hiện tại, mỗi năm thế giới có hơn 650 tỷ tấn băng tan. Lớp tuyết bao phủ Bắc Cực vào tháng 6 cũng đã giảm hơn một nửa kể từ năm 1967: khoảng 2.5 triệu km². Đáng quan ngại hơn, trong thời điểm lượng băng tuyết ít nhất – tức tháng 9 – cứ mỗi thập kỷ trôi qua, băng ở đây lại hao hụt 13% so với năm 1979. Tính đến thời điểm hiện tại, lượng băng tuyết đo được trong năm nay chỉ còn cách mức thấp nhất một khoảng nhỏ.

Hải sản là một trong những mặt hàng giúp Úc khẳng định vị thế của mình trên thế giới.

Đến cuối thế kỷ này, số lượng động vật biển có nguy cơ giảm tận 15%, số lượng hải sản phục vụ cho ngành ngư nghiệp dự kiến cũng giảm từ 21 – 24% vì biến đổi khí hậu.

Tình hình hiện tại ra sao?

“Biến đổi khí hậu là hiện tượng không thể đảo chiều” nhà khoa học người Pháp Valérie Masson-Delmotte, một tác giả khác của báo cáo, nhận định. Tuy nhiên, một số viễn cảnh nặng nề được đề cập đến vẫn có thể tránh khỏi, nếu con người tìm ra cách xử lý khí thải nhà kính phù hợp.

Do tốc độ tan chảy của các khối băng ở Greenland và Nam Cực, IPCC buộc phải nâng mực nước biển dự kiến lên thêm 10 cm so với báo cáo năm 2013. Tài liệu năm nay cho biết, chiếu theo sự phát triển thông thường, mực nước biển sẽ tăng thêm 61 – 110 cm vào cuối thế kỷ này, rất có thể rơi vào khoảng 84 cm.

Chính phủ cần tìm ra giải pháp cho vấn nạn này.

Một khi tình trạng nóng lên toàn cầu vẫn tiếp diễn, mực nước sẽ còn tăng cao gấp 2 – 3 lần nữa trong nhiều thế kỷ tới. Nhà khoa học người Đức Hans-Otto Portner khẳng định rằng con người sẽ phải đối diện với một tương lai hoàn toàn khác nếu chúng ta cứ để mặc hiện tượng này xảy ra.

Song, các nhà nghiên cứu không trực thuộc IPCC lại cho rằng báo cáo của tổ chức này đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của vấn đề. “Bản báo cáo này chỉ dám đưa ra những con số an toàn, nhất là khi nói về lượng băng mất đi ở Greenland và Nam Cực” – nhà hải dương học NASA Josh Willis nhận xét. Ông nói rằng mọi người nên chuẩn bị tinh thần ứng phó với mực nước biển tăng cao gấp đôi so với dự báo từ IPCC.

Các rạn san hô sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng ở một số khu vực trên thế giới và biến đổi về đặc điểm sinh học ở những nơi khác. “Chúng tôi thấy được viễn cảnh tăm tối cho sự tồn tại của các rạn san hô” – Portner nói. “Đó là một trong những tín hiệu cảnh báo rõ ràng nhất mà tự nhiên đã gửi đến chúng ta.”

Nguồn: 9News

Tải app Úc Ơi / VietUcNews / Cộng Đồng Người Việt tại đây nha các bạn http://onelink.to/suwtvz