Melbourne: Hoãn biểu tình Chủ nhật tuần này 12/5 tại Sunshine

0
694

Vietucnews -Buổi xuống đường kêu gọi an toàn cho Sunshine, do Hội sinh viên Việt Nam tại Melbourne tổ chức, dự kiến diễn ra vào Chủ nhật, đã bị hủy sau cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo cộng đồng và chính quyền địa phương. Chị Tiến Nguyễn, đại diện cho các nạn nhân bị tấn công, chia sẻ cách tiếp cận ôn hòa để giải quyết vấn đề. 

1.Quyết định hủy bỏ cuộc biểu tình vào cuối tuần này 12/5

Đại diện Hội Sinh Viên Việt Nam (VASA), Tiến Nguyễn, người đứng ra kêu gọi an toàn cho Sunshine và yêu cầu chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho thanh thiếu niên ở miền Tây Melbourne, cho biết sau cuộc họp với giới hữu trách, cảnh sát địa phương và đại diện cộng đồng vào trung tuần, hội đã quyết định hủy bỏ cuộc biểu tình vào cuối tuần này.

Trả lời phỏng vấn của SBS Radio, Tiến Nguyễn cho biết các bên đã nghe trình bày của cô về những quan ngại xung quanh việc thanh thiếu niên gốc Phi thường xuyên tụ tập, tấn công, giao tiếp theo cách bạo lực.

Đại diện cộng đồng Nam Sudan chia sẻ họ đang gặp khó khăn để hòa nhập và sinh sống tại Úc sau vết thương chiến tranh. Đồng thời, phía cảnh sát Victoria, đại diện hội đồng thành phố Brimbank, chính phủ tiểu bang, trung Tâm Thanh thiếu niên Đa văn hóa đưa ra những hướng giải quyết lâu dài: bao gồm chương trình vốn chính phủ chi ra để hỗ trợ cộng đồng Châu Phi hội nhập vói các cộng đồng khác, hướng nghiệp, tìm việc làm, điều trị tâm lý..

Giới hữu trách cho biết sẽ tổ chức một buổi gặp mặt các du học sinh cũng như dân cư vùng West quan tâm đến việc này để phổ cập kiến thức phòng thân, cách ứng phó khi bị tấn công và trình báo với cảnh sát.

Băng nhóm thanh niên gốc Phi không ít lần gây náo loạn tại Melbourne

2.Nguyên nhân dẫn đến trì hoãn

Đại dện cộng đồng người Vệt tại Úc, chị Tiến Nguyễn phân tích những lý do dẫn đến quyết định hủy bỏ cuộc biểu tình vào tuần này.

Thứ nhất, chúng ta phải xin phép trước (2 tháng) và chi tiêu rất nhiều cho việc kiểm soát giao thông cũng như trách nhiệm cộng đồng. Cái này nằm ngoài dự kiến chi tiêu của hội, có thể sẽ phải xin tài trợ dài hơi để tiếp tục.

Thứ hai, việc biểu tình để nhằm mục đích yêu cầu chính phủ tiểu bang, cảnh sát và những bên liên quan phải đưa ra giải pháp cho tình trạng này. Hôm 07/05/2019, nhờ sự sắp đặt của cộng đồng người Việt tự do tại Úc, một cuộc họp gần 3h đồng hồ đã diễn ra giữa những bên liên quan.

3.Nội dung chi tiết về cuộc họp

Các bên tham gia

  • Hội sinh viên Việt Nam tại Melbourne: Tien Nguyen (Treasurer), Phuc Truong (Vice President, Group page admin) và anh Hugh Nguyen (Member)
  • Cộng đồng người Việt tự do tại Úc châu: chị Vỹ Nguyễn (chủ tịch), Đình Trần (Phó chủ tịch)
  • Đại diện cảnh sát Sunshine: 2 người
  • Đại diện phía hội đồng thành phố Brimbank: 2 người
  • Đại diện phía chính phủ tiểu bang (bộ thủ hiến và nội các): 1 người
  • Trung Tâm thanh thiếu niên đa văn hóa: 1 người
  • Thanh thiếu niên đa văn hóa tiểu bang: 1 người
  • Ủy ban đa văn hóa sự vụ: 2 người
  • Cảnh sát đa văn hóa: 1 người

(Danh tính của các nhân viên đại diện chưa công khai do chưa có sự đồng ý nhưng đã có liên lạc của họ để tiện theo dõi sau này).

Thảo luận vấn đề 

Gốc rễ của vấn đề được thảo luận rất lâu cho đến khi đại diện bên Nam Sudan lên tiếng xác nhận đúng là có việc thanh thiếu niên gây gổ từ cộng đồng của họ. Họ xác nhận cộng đồng họ cũng đang gặp những khó khăn để hòa nhập và sinh sống tại Úc. Điều này cũng đúng như những bàn luận trước đó về việc cộng đồng này, có một thành phần thiểu số đang khó hòa nhập vào xã hội cũng như đi học và xin việc.

Họ mới bước ra từ cuộc chiến tranh, rất nhiều thanh thiếu niên thiếu vắng bố mẹ. Nhiều bà mẹ đơn thân vật lộn để sống tại một đất nước mới, một nền văn hóa mới. Tình trạng này không chỉ xảy ra với cộng đồng người Nam Sudan, mà còn là tình cảnh chung của bất cứ ai bước ra từ hoàn cảnh chiến tranh, hỗn loạn, đến một vùng đất xa lạ.

Thế hệ người Việt đến Úc sau chiến tranh khi xưa thế nào?

Chị Tiến Nguyễn nhớ lại và nói: “Nói đến đây lòng tôi trùng lại, tôi liên tưởng đến một quãng thời gian tầm 40 năm trước đây khi đồng bào mình sang đây cũng khó khăn hòa nhập như nào. Những gia đình vừa bước ra khỏi chiến tranh, những ám ảnh và khủng hoảng mang lại cho họ những sang chấn tâm lý. Những vết thương lòng không bao giờ lành. Thanh thiếu niên của chúng ta cũng phá phách, phạm tội rất nhiều giai đoạn đấy. Những vị cảnh sát tham gia cũng nhớ lại điều đấy”.

Người Việt tại Úc. Nguồn: eduvietglobal

“Và lúc cộng đồng Việt Nam đang loay hoay hội nhập thì người Úc đã làm gì? Không kể những thành phần kỳ thị, đại đa số đã dang tay đón nhận chúng ta. Những em bé mất cha mẹ trên biển còn được nhận làm con nuôi trong nhiều gia đình Úc. Họ đã giúp những đồng bào bơ vơ của chúng ta trở thành một cộng đồng mạnh và có tiếng nói, uy tín trên nước Úc. Việc tổ chức một cuộc meeting bản thân tôi đã xin hội đồng và các bên nhưng không có một bên nào có thể làm đươc. Và chỉ trong 1 ngày ngoài cộng đồng người Việt mình đứng ra tổ chức (thứ 2 quyết định, mời, liên lạc và thứ 3 họp)”, chị Tiến Nguyễn chia sẻ.

“Tôi không bao biện cho hành vi của các thanh thiếu niên gốc Phi, thế nhưng tôi thương cảm cho họ, tôi cảm nhận khó khăn các em gặp phải. Là một người mẹ có hai con nhỏ tăng động, tôi đã phải dành không biết bao thời gian uốn nắn, hướng dẫn các con tỉ mỉ từng bước một. Tôi hiểu và cảm thông cho những vất vả và bất lực các mẹ bà gốc Phi đang phải gánh”.

Hướng giải quyết dài hạn

Trong cuộc thảo luận, các bên đã tích cực đề xuất các hướng giải quyết lâu dài. Bao gồm chương trình vốn chính phủ chi ra để hỗ trợ cộng đồng châu Phi hội nhập với các cộng đồng khác, hướng nghiệp, tìm việc làm, điều trị tâm lý…

Ngoài ra còn liên hệ thêm với chính phủ đẻ tăng cường an toàn cho cộng đồng, kết hợp bên giao thông để đảm bảo cho người tham gia giao thông công cộng được an toàn khi sử dụng giao thông công cộng.

Ba trung tâm thể thao vùng West đang được hoàn thiện trong 12 tháng đổ lại đây. Hàng triệu đô la Úc đã được rót vào quỹ cộng đồng để hỗ trợ các thanh thiếu niên trên nhiều phương diện.

4.Những nỗ lực giải quyết của cảnh sát địa phương

Trả lời câu hỏi của SBS, chị Tiến Nguyễn nói: “Tôi rất bất ngờ khi biết cảnh sát ngoài việc đi bắt người phạm tội, họ còn đi thăm, giám sát những tội phạm lặp đi lặp lại nhiều lần để hỗ trợ xin chính phủ cho đi điều trị tâm lý, hướng nghiệp, thậm chí là cai nghiện… Họ làm nhiều thứ hơn tôi suy nghĩ trước cuộc họp”.

Cảnh sát Úc đã rất tích cực trong việc tìm giải pháp giải quyết vấn đề nhóm người gốc Phi gây bạo loạn

Theo chị Tiến Nguyễn, ngoài ra việc trình báo cảnh sát cũng là rất quan trọng. Cảnh sát làm việc theo tiêu chí phải ưu tiên những việc quan trọng (giết người, băng đảng nguy hiểm…). Thế nên chúng ta phải trình báo và theo dõi tiến triển. Họ có chậm hay quên không trả lời là phải tiếp tục theo sát để nắm bắt tình tình.

Ví dụ việc cháu du học sinh hôm trước bị đánh trên ga đã được chuyển sang cảnh sát bên hệ thống tàu hỏa điều tra chứ không còn bên Sunshine Police nữa.

Qua quá trình bàn luận, nhiều ý tưởng đã được đưa ra như phần mềm để báo cáo, đường dây nóng để nhân chứng (muốn giấu tên) thông báo sự việc. Thậm chí những sự việc chưa trầm trọng như xin đểu, gây gổ cũng phải báo để cảnh sát còn có thống kê trình lên chính phủ.

Một số giải pháp tạm thời

Những giải pháp tạm thời thì trong 4 tuần nữa, cảnh sát Sunshine kết hợp với Hội đồng sẽ tổ chức một buổi gặp mặt. Đối tượng tham gia là các du học sinh cũng như dân cư vùng West quan tâm đến việc này. Cuộc gặp mặt nhằm phổ cập kiến thức phòng thân, làm thế nào để không phải là một mục tiêu của việc bị tấn công.

Phổ biến, cập nhật cách trình báo hoặc liên hệ với cảnh sát nhanh nhất các tình huống có thể sẽ gặp phải.

Nguồn: baouc

Bên cạnh đó, chị Tiến Nguyễn cũng đưa ra lời khuyên khi gặp thanh thiếu niên gốc Phi, hãy cởi mở đón nhận họ bằng cách chào hỏi, thân thiện. Thái độ tốt sẽ giúp tránh va chạm, thay vì những ánh mặt soi mói, kỳ thị hay ghê sợ họ.

Bản thân các thanh thiếu niên gốc Phi cũng rất mong muốn được ghi nhận là công dân như bao người khác. Nhưng rất tiếc sự tự ti, cảm giác bất an, tâm lý không ổn định là nguyên nhân gây nhiều rắc rối cho nhiều em.

5. Tinh thần đoàn kết dân tộc, bảo vệ đồng bào

Qua cuộc phỏng vấn với đài SBS Radio, chị Tiến Nguyễn muốn gửi lời cảm ơn đến chị Vỹ và Đình, hội cộng đồng người Việt tự do. Họ là những người đã đứng ra lo cho sự an toàn của người Việt mình tại Melbourne.

“Cộng đồng đã lên tiếng vì hai chữ đồng bào, chứ không quan tâm ai theo cờ vàng cờ đỏ. Đây cũng chính là cách sống tại Úc phải được trân trọng. Tự do chính trị của mỗi người không thể là rào cản cho sự đoàn kết cũng như che chở cho đồng bào mình được. Xin thay mặt hội sinh viên cảm ơn các anh chị đã đề xuất những chương trình hỗ trợ miễn phí cho đồng hương (các em du học sinh tham gia thoải mái), hội sẽ đưa thông tin cụ thể sau”.

Cuộc thảo luận không phải là điểm kết thúc của vấn đề. Theo chị Tiến Nguyễn, điều chúng ta mong muốn ở cuộc biểu tình là chính phủ phải lắng nghe, quan tâm và hành động. Mong muốn này đã đạt được bước đầu và tạo ra những quan hệ lâu dài trong cuộc họp hôm qua. Do đó, cộng đồng không biểu tình vào chủ nhật này nữa, vì mục đích của cuộc biểu tình đã có kết quả.

Nguồn: Tien Nguyen

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments